VARS cho biết, mới đây, tổ chức này đã gửi kiến nghị tới Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan quan tâm xem xét, trình Chính phủ điều chỉnh chính sách vĩ mô để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản (BĐS), nhà môi giới BĐS gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.
Có tới 89% sàn giao dịch không được hưởng chính sách cho vay ưu đãi từ ngân hàng (Ảnh: TL) |
Theo đề xuất, thứ nhất là đề nghị bổ sung nhóm ngành BĐS, trong đó có dịch vụ môi giới BĐS vào nhóm ngành được hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước.
Thứ hai, doanh nghiệp được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế phải nộp, bảo hiểm xã hội và một số nghĩa vụ khác đối với Nhà nước để doanh nghiệp có nguồn tiền hỗ trợ lao động cũng như đồng hành cùng với chính quyền trong chống dịch.
Thứ ba, sớm ban hành Nghị quyết về miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong đó, giảm 50% thuế thu nhập cho doanh nghiệp, sàn giao dịch BĐS có phát sinh từ tháng 5 đến hết năm 2021 để có điều kiện sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thứ tư, có chính sách để các ngân hàng giảm tiến độ trả nợ, điều chỉnh lãi suất hợp lý, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí và chống đỡ khó khăn trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid 19.
Thứ năm, thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn chương trình điều chỉnh tháo gỡ vướng mắc trong quy trình pháp luật đối với thủ tục đầu tư nhằm cải thiện giải quyết thủ tục hành chính các dự án đầu tư BĐS làm tăng nguồn cung cho thị trường và kích thích hoạt động đầu tư cho toàn xã hội.
Cũng theo VARS, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay, nhiều tỉnh thành trên cả nước liên tục phải thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là tại các đô thị lớn, như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, Hải Phòng, Quảng Ninh... Nhiều công trình xây dựng phải dừng hoặc giãn tiến độ xây dựng. Người dân giảm thu nhập hoặc có tâm lý chờ đợi đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường BĐS nói chung và lĩnh vực môi giới BĐS nói riêng.
Khảo sát của VARS cho thấy, có tới 28% sàn giao dịch có nguy cơ giải thể, phá sản, 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ nhưng không cao. Nếu phải duy trì thêm một, hai tháng nữa để chống dịch thì tỷ lệ có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao.
Hiện nay, hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp. Quỹ lương cạn kiệt khiến nhiều đơn vị phải cắt giảm nhân sự. Cụ thể, 78% sàn giao dịch phải thực hiện cắt giảm nhân sự (cho nghỉ việc) hoặc cho tạm nghỉ việc không lương; 45% lao động trong số các sàn giao dịch thực hiện cắt giảm không còn thu nhập - tương đương với 26.325/75.000 lao động làm việc tại 500 sàn giao dịch.
Số còn lại tuy được hưởng lương nhưng cũng chủ yếu là hưởng lương cơ bản, phụ cấp nghỉ dịch, hoặc hưởng 50% lương do thực hiện làm luân phiên. Hiện, 28% sàn đã không còn quỹ lương để trả cho người lao động.
Trong khi đó, có tới 89% sàn giao dịch không được hưởng chính sách cho vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ các ngân hàng cũng rất hạn chế. Cùng đó là khó khăn về chi phí thuê mặt bằng phục vụ sản xuất kinh doanh.
Mặc dù các sàn giao dịch đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bán hàng nhưng cũng không đủ để vượt khó.
Phạm Minh