Ngay từ khi đợt dịch đầu tiên diễn ra, nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đã lập tức hứng chịu hàng loạt khó khăn, thiệt hại nghiêm trọng bởi các quy định giãn cách xã hội và phòng chống dịch. Dịch bệnh đã khiến hàng nghìn nhà môi giới BĐS rơi vào tình cảnh thất nghiệp và con số này đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Sức khoẻ yếu
Theo ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, hiện nay rất nhiều sàn giao dịch gặp khó khăn, đặc biệt là những sàn tại TP.HCM khi họ đã sống chật vật trong suốt 2 tháng giãn cách vừa qua. Khó khăn về thu hồi công nợ, khó khăn toàn diện tới các chủ đầu tư và sàn giao dịch, kẹt vốn, mất nguồn lực lao động do nhân sự giảm, nghỉ việc nhiều… Nếu không có sự hỗ trợ, rất có thể thị trường BĐS sẽ chứng kiến hàng loạt giao dịch phá sản, đặc biệt là những sàn giao dịch yếu.
"Hiện nay 50% các đơn vị BĐS có nguy cơ, 30% doanh nghiệp đặc biệt khó khăn và 20% sàn giao dịch đang đứng trên bờ vực phá sản. Cũng giống như chúng ta, hiện các sàn đang rất cần ôxy để có thể tiếp tục sống", ông Lâm nói.
Không chỉ các sàn giao dịch BĐS mà các chủ đầu tư cũng đang trong cơn bĩ cực. (Ảnh: TL). |
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam chia sẻ tại cuộc tọa đàm trực tuyến "Sàn giao dịch và môi giới bất động sản vượt khó do ảnh hưởng Covid 19: Giải pháp và kiến nghị", cho biết, từ khó khăn về kinh tế, đại dịch Covid-19 còn kéo theo tâm lý khủng hoảng, bỏ cuộc của nhiều cá nhân, đơn vị môi giới. Đặc biệt, trong đợt dịch lần thứ 4 đang diễn ra, đây là đợt dịch ảnh hưởng nặng nề nhất đến nền kinh tế, thị trường BĐS và các sàn giao dịch.
Bằng chứng là trong suốt gần 4 tháng qua, thị trường BĐS đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tại các tỉnh thành có dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Nhiều dự án phát triển BĐS đã phải ngừng xây dựng, hoạt động mở bán – tiếp xúc – tư vấn khách hàng không thể thực hiện. Hệ quả là doanh nghiệp không có doanh thu từ các giao dịch mua bán.
"Nhiều sàn môi giới BĐS đã buộc phải cho nhân viên nghỉ việc do không có kinh phí để trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, tiền thuê văn phòng và khoản chi phí khác", ông Hà cho biết.
Trước những khó khăn của các chủ đầu tư, sàn giao dịch BĐS, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land nhìn nhận, các sàn môi giới BĐS bị thiệt hại nặng nề do đa số các sàn vừa và nhỏ, nguồn lực mỏng. Nhiều sàn buộc phải chọn giải pháp thu gọn quy mô, đóng cửa tạm thời, tạm dừng hoạt động. Các chủ đầu tư dự án đều phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh giảm từ 30% thậm chí cao hơn do các hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ vì dịch bệnh.
Cần sự hỗ trợ
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, không chỉ các sàn giao dịch BĐS bị ảnh hưởng nặng nề mà các chủ đầu tư doanh thu bán hàng cũng sụt giảm nghiêm trọng. Bà Hương nhận định, năm 2021 thiệt hại là không tránh khỏi vì ít nhất có khoảng 30% các sàn môi giới còn lại sau những đợt phá sản trước sẽ không trụ nổi trong đợt đại dịch lần thứ 4 này.
"Còn các doanh nghiệp BĐS doanh thu bán hàng sụt giảm nghiêm trọng. Năm nay doanh nghiệp đạt được 50% kế hoạch đề ra là sự nỗ lực không đơn giản", bà Hương nói.
Đưa ra giải pháp hỗ trợ các sàn giao dịch BĐS, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT BHS cho biết, nên chia các sàn giao dịch (SGD) thành 2 nhóm:
Nhóm SGD lớn, có tích lũy (khoảng 20%), có kinh nghiệm vượt qua khó khăn, có hệ thống phòng ban hoạt động chuyên nghiệp, ít khó khăn và đang chuẩn bị cho chiến lược lớn. Đặc biệt tốt trong triển khai các hợp đồng sản phẩm, tuyển dụng nhân viên, đẩy nhanh thu hồi công nợ với khả năng thu hồi tốt hơn, đẩy mạnh phát triển công nghệ nhằm thay đổi hành vi của người tiêu dùng
Nhóm SGD quy mô nhỏ, chưa có nhiều tích lũy, bị ảnh hưởng nhiều nhất, sâu nhất, với quy mô tài chính hạn hẹp, khó duy trì hoạt động dài hạn thậm chí ngắn hạn, chiến lược lâu dài để đảm bảo tồn tại hay phát triển là khó khăn cực kỳ lớn.
“Từ các đánh giá này, cần thông tin và sự hỗ trợ của Hội môi giới BĐS Việt Nam cùng các cơ quan chức năng để giúp đỡ”, ông Tuyển nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Tuyển đề xuất, muốn sàn tốt cần có thị trường tốt, muốn có thị trường tốt thì phải bắt kịp xu hướng thực tế. Chính phủ đang thực hiện hai chính sách phòng thủ và tấn công (khoanh vùng và tiêm vaccine đại trà). Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng cần thành lập Quỹ vaccine của Hội để tiếp cận sớm hơn, nhanh hơn khi xã hội mở cửa và các nhà đầu tư có hành trình dễ thở hơn khi hoạt động bình thường trở lại.
Một số chuyên gia BĐS cũng cho rằng, với tình hình khó khăn rất lớn của các doanh nghiệp BĐS, cấp thiết cần sự lắng nghe và các giải pháp trợ lực kịp thời cho các DN vượt qua được giai đoạn căng thẳng hiện nay, hy vọng vào quá trình phục hồi nhanh chóng và hiệu quả hơn sau đại dịch. Đồng thời, cần đề xuất Chính phủ chính sách hỗ trợ giãn, giảm thuế (thu nhập, VAT), giảm lãi suất vay, tiếp cận nguồn tài chính với lãi suất ưu đãi hơn.
Hải Sơn