Các chính sách mới về chỉnh trang phát triển đô thị, phát triển nhà ở được thực thi sẽ hình thành nguồn cung lớn dự án nhà ở và sản phẩm nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội tại các địa phương. |
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, Hiến pháp đã minh định tại Điều 33: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Trên thị trường bất động sản (BĐS), quyền tự do kinh doanh trong khuôn khổ quy định pháp luật thể hiện rất rõ nét. Mỗi một tập đoàn, doanh nghiệp lựa chọn đầu tư ở một phân khúc nhất định. Có những tập đoàn và doanh nghiệp lựa chọn đầu tư các dự án nhà ở cao cấp, điển hình như Công ty Phú Mỹ Hưng, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Novaland… Bên cạnh đó, có những tập đoàn và doanh nghiệp lựa chọn đầu tư các dự án nhà ở cao cấp, trung cấp như Tập đoàn Hưng Thịnh, C.T Group, Công ty Phúc Khang, Vietcomreal, Thủ Đức House, Công ty Hưng Lộc Phát, Công ty Phú Cường, Sài Gòn Res... Và có doanh nghiệp lựa chọn đầu tư các dự án nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội, điển hình là Công ty Lê Thành, Công ty Vạn Thái, Công ty Thiên Phát…
Tại Việt Nam, trong hơn 10 năm qua, nền kinh tế và thị trường BĐS cũng đã trải qua những giai đoạn rất khó khăn như “bong bóng” BĐS năm 2007 và năm 2010; thị trường BĐS bị "đóng băng" năm 2008-2009 và năm 2011-2013.
Năm 2009, để hỗ trợ nền kinh tế và “phá băng” BĐS, Nhà nước đã có gói kích cầu đầu tư với giá trị khoảng 17.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), đi đôi với thực hiện lộ trình giảm dần chính sách thắt chặt tiền tệ.
Năm 2013, Chính phủ lại “tung” ra gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng với lãi suất bình quân 5%/năm, hỗ trợ vốn cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và cho người mua nhà ở xã hội, người mua nhà ở thương mại có mức giá dưới 1,05 tỷ đồng.
Nhờ có sự hỗ trợ này, Nhà nước đã thực hiện được đồng thời 3 mục tiêu: Có 56.180 người tạo lập được nhà ở; giải quyết được 56.180 căn nhà là hàng tồn kho BĐS; giải quyết được một phần quan trọng nợ xấu BĐS.
Trong báo cáo tổng kết 5 năm 2016-2020, Bộ Xây dựng đã nêu ra một số hạn chế, tồn tại của thị trường BĐS. Cụ thể, thị trường vẫn còn tình trạng sốt đất, sốt giá ở một số địa phương trong một số thời điểm. Cơ cấu sản phẩm BĐS chưa hợp lý, thiếu gay gắt nhà ở xã hội (mới chỉ đáp ứng 41,7% so với mục tiêu đề ra), nhà ở thương mại giá thấp. Một số cơ chế chính sách về thuế, tín dụng, đất đai còn bất cập ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho thị trường và chống đầu cơ BĐS...
Đồng thời, Bộ Xây dựng định hướng phát triển thị trường BĐS giai đoạn 2021-2025 theo hướng thực hiện tái cơ cấu thị trường, bổ sung cơ chế chính sách, công cụ quản lý để kiểm soát, bảo đảm thị trường BĐS phát triển ổn định, hiệu quả. Thúc đẩy phát triển nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở cho hộ nghèo ở nông thôn và vùng thường xuyên chịu tác động bất lợi của thiên tai… Phát triển đa dạng các loại BĐS đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm cân đối cung - cầu của từng phân khúc…
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đang dự thảo và đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết về “Đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp”, với một số cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, về tín dụng. Đơn cử, mức giá khoảng tối đa không quá 25 triệu đồng/m2 tại đô thị đặc biệt, không quá 23 triệu đồng/m2 tại đô thị loại 1 và không quá 20 triệu đồng/m2 tại các tỉnh còn lại.
Bộ Xây dựng cũng đang trình “Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội” và “Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”.
Tất cả các định hướng về chỉnh trang phát triển đô thị, phát triển nhà ở này sẽ hình thành nguồn cung dự án nhà ở và sản phẩm nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội rất lớn tại các địa phương.
Các tập đoàn và doanh nghiệp BĐS cần xem xét để nắm bắt cơ hội đầu tư kinh doanh, vì vừa vẫn đảm bảo được lợi nhuận, vừa ít rủi ro, đồng thời góp phần chia sẻ với cộng đồng xã hội.
Hải Sơn