Cụ thể, theo DKRA Việt Nam, thị trường nhà ở TP.HCM trong tháng 7 năm 2022 chỉ có 1 dự án mới và 6 dự án mở bán tiếp theo với nguồn cung là 1.345 căn. TP.Thủ Đức tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt thị trường khi lần lượt chiếm 56% nguồn cung và 61% lượng tiêu thụ nguồn cung mới trong tháng.
Đáng chú ý, DKRA ghi nhận thanh khoản căn hộ tại thị trường TP.HCM và vùng phụ cận (Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh) tiếp tục lao dốc.
Cụ thể, tỷ lệ hấp thụ chung các dự án mới ở mức thấp nhất từ đầu năm 2022 đến nay, dao động phổ biến chỉ từ 40 đến 60% giỏ hàng mở bán trong tháng 7. Thị trường chung tiêu thụ được 1.171 căn, giảm một nửa so với tháng trước và chỉ bằng 17% so với tháng 5. So với cùng kỳ năm 2021, số này giảm tới 85%. Đáng chú ý, toàn thị trường vẫn có nhiều đợt tăng giá do khan hiếm nguồn cung, chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh, sốt đất diễn ra nhanh chóng ở một số địa phương…
![]() |
Tỷ lệ hấp thụ căn hộ tại TP.HCM và vùng phụ cận đang giảm mạnh vì người mua nhà bị kẹt vốn vay ngân hàng. |
Các cuộc thăm dò từ thực tế cũng cho thấy, hiện có khoảng 10 dự án mới mở bán tại TP.HCM và các tỉnh xung quanh, tỷ lệ hấp thụ hầu hết không vượt qua mức 50% nguồn hàng.
Lý giải tình trạng mất thanh khoản của loại hình căn hộ, DKRA nhận định là do điểm nghẽn phê duyệt giải ngân hồ sơ vay mua nhà. Phản ánh của nhiều người mua nhà cho biết việc vay mua nhà ngày càng khó vì các ngân hàng liên tục báo “hết room”.
Dù các nhà băng cũng liên tục khẳng định không siết tín dụng vào bất động sản, nhưng thực tế cho thấy vốn vào bất động sản thời gian qua vô cùng nhỏ giọt. Đặc điểm chung là người đi vay khó hơn, lãi suất cao hơn và điều kiện thêm ngặt nghèo.
Đại diện một phòng giao dịch của Vietcombank tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khẳng định ngân hàng không siết tín dụng bất động sản, nhưng điểm khác biệt so với trước đây là các ngân hàng sẽ làm rất kỹ lưỡng ở khâu thẩm định năng lực tài chính của bên vay.
Vì trong thời gian qua, trong cơn sốt đất đai, một số ngân hàng cho vay quá mức dẫn tới hết hạn mức tín dụng bất động sản khiến dư luận nghĩ rằng kênh cho vay này bị ngân hàng siết lại. Việc “đói vốn” khiến cho thị trường địa ốc suy yếu, nguy cơ nợ xấu của ngân hàng tăng lên.
Điều này lý giải vì sao thời gian gần đây, nhiều người làm thủ tục vay mua nhà đất gặp nhiều khó khăn, bị chậm hoặc ngừng giải ngân, thậm chí bị trả hồ sơ khi ngân hàng nhận thấy có nhiều rủi ro. Không ít người đã đánh mất cơ hội có nhà hoặc vướng vào thế bí vì đột ngột bị ngân hàng lùi ngày giải ngân.
Đơn cử, anh Lê Đức Huy (Hà Nam) chia sẻ vào cuối tháng 5/2022, sau nhiều năm sinh sống, làm việc tại Hà Nội, anh có cơ hội mua nhà bởi người quen cần tiền gấp nên bán rẻ lại một căn liền kề trong ngõ, giá chưa đầy 5 tỷ đồng. Nhưng với khoản tích lũy hơn 3 tỷ đồng, anh chị cần vay thêm khoảng 1,8 tỷ đồng.
“Với thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng, lại là vay mua nhà lần đầu, tôi cứ nghĩ sẽ dễ dàng, nhưng không ngờ lại khó khăn đến thế. Đi hỏi 10 ngân hàng thì đến 8 lắc đầu vì lý do “hết room”, còn lại thì hẹn sang tháng 7. Chủ nhà cần tiền nên bán gấp, bắt chờ thế thì hết cơ hội”, anh Huy kể.
Trước việc dòng vốn tín dụng vào bất động sản gặp nhiều điểm nghẽn, ngày 29/8, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 13 yêu cầu các bộ, ngành ngoài rà soát các quy định pháp luật, cần đa dạng nguồn vốn cũng như đề xuất thí điểm cơ chế chính sách để tạo động lực phát triển mới cho thị trường bất động sản.
Trong đó, người đứng đầu Chính phủ nhắc lại quan điểm giám sát chặt chất lượng tín dụng bất động sản, nhưng không siết tín dụng bất hợp lý.
"Chính sách tài khóa, tiền tệ cần được điều hành linh hoạt, mở rộng hợp lý, không chuyển trạng thái đột ngột từ "nới lỏng" sang kiểm soát chặt chẽ hoặc ngược lại. Nhưng cần kiểm tra, giám sát để ngăn chặn, xử lý những hành vi sai phạm như trốn thuế trong kinh doanh bất động sản... ", Chỉ thị nêu.
Ngoài ra, Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu quan điểm kiểm soát huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán, tránh đầu cơ, thao túng.
Phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng cao, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, quốc tế; chính sách thuế để hạn chế đầu cơ nhà, đất.
Minh Nhật