Gần 2 tháng qua, anh Nguyễn Quốc Trung (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đau đầu vì việc cân nhắc các gói vay để mua nhà. Lý do là bởi các ngân hàng thắt chặt tín dụng, hạn mức cho vay giảm, lãi suất tăng. Ngay cả với các ngân hàng nằm trong nhóm Big 4, điều kiện vay cũng vô cùng gian nan.
Vay khó, lãi tăng
“Hồi tháng 3/2022, tôi tìm hiểu tại một ngân hàng thuộc nhóm Big 4, có gói vay ưu đãi lãi suất 8,1% trong vòng 2 năm đầu, sau đó thả nổi khoảng 10%. Nhưng vì thị trường lúc đó quá bất ổn nên tôi chần chừ, đến nay thì lãi suất của gói vay này tăng lên 9,7%, sau 3 năm thả nổi 11%”, anh Trung chia sẻ.
Các cuộc thăm dò cho thấy tình trạng người mua nhà bất ngờ gặp “phanh gấp” khi vay vốn tại các ngân hàng xảy ra với mật độ ngày càng nhiều kể từ cuối quý I/2022, và có thể còn kéo dài ít nhất đến hết năm 2022. Đặc điểm chung là người đi vay khó hơn, lãi suất cao hơn và điều kiện thêm ngặt nghèo.
Ở một số ngân hàng quốc tế, các gói vay ưu đãi có lãi suất tốt hơn, tuy nhiên hồ sơ phải “sạch”, tài sản thế chấp được thẩm định gắt gao và phí phạt khá cao (ở mức trên dưới 4%). Đồng thời, có nguyên tắc ngân hàng nào thẩm định cho vay dễ thì lãi suất sẽ cao, còn cho vay khó thì lãi suất sẽ thấp hơn.
Hồi đầu tháng 6/2022, trên nghị trường quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc siết tín dụng chỉ nhắm vào các dự án bất động sản thiếu tính pháp lý, ít tính khả thi, còn với người vay mua nhà hoặc các dự án có tiềm năng thì không ảnh hưởng.
Nhưng thực tế cho thấy, áp lực vay mua nhà của người dân đang ngày càng gia tăng. Không ít người đã đánh mất cơ hội có nhà hoặc vướng vào thế bí vì đột ngột bị ngân hàng lùi ngày giải ngân.
Áp lực tiếp cận tín dụng vay mua nhà được dự báo có thể còn kéo dài ít nhất đến hết năm 2022. |
Anh Lê Đức Huy (Hà Nam) chia sẻ vào cuối tháng 5/2022, sau nhiều năm sinh sống, làm việc tại Hà Nội, anh có cơ hội mua nhà bởi người quen cần tiền gấp nên bán rẻ lại một căn liền kề trong ngõ, giá chưa đầy 5 tỷ đồng. Nhưng với khoản tích lũy hơn 3 tỷ đồng, anh chị cần vay thêm khoảng 1,8 tỷ đồng.
“Với thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng, lại là vay mua nhà lần đầu, tôi cứ nghĩ sẽ dễ dàng, nhưng không ngờ lại khó khăn đến thế. Đi hỏi 10 ngân hàng thì đến 8 lắc đầu vì lý do “hết room”, còn lại thì hẹn sang tháng 7. Chủ nhà cần tiền nên bán gấp, bắt chờ thế thì hết cơ hội”, anh Huy kể.
Tác động tiêu cực
Chưa kịp “hoàn hồn” vì động thái siết tín dụng của các nhà băng, mới đây việc Ngân hàng Nhà nước dự kiến quy định ngân hàng phải kiểm soát cho vay "giá trị lớn" càng khiến người mua nhà hoang mang.
Anh Hoàng Thịnh Phước (Long Biên, Hà Nội) cho hay sau gần 10 năm nỗ lực, gia đình anh đang tiến rất gần đến việc sở hữu nhà riêng. Tuy nhiên khi bạn bè gửi thông tin về dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước, anh đang cảm thấy rất lo vì giá trị căn nhà dự kiến mua có giá trị gần 6 tỷ đồng.
Được biết, dự thảo sửa đổi thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến nhân dân, với nội dung điều chỉnh quy định "kiểm soát việc cho vay để đầu tư kinh doanh chứng khoán; cho vay mua, kinh doanh bất động sản; cho vay các dự án đầu tư PPP; cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có "giá trị lớn" theo xác định của tổ chức tín dụng".
Nhiều chuyên gia đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng quy định nội bộ của các tổ chức tín dụng là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản, chứng khoán đang có nhiều biến động mạnh.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng vì dự thảo sử dụng từ "kiểm soát" việc cho vay mua, kinh doanh bất động sản và kiểm soát việc cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống có "giá trị lớn" đã dẫn đến luồng dư luận cho là Ngân hàng Nhà nước định hướng "thắt chặt" tín dụng với bất động sản, bao gồm cả thắt chặt cho vay để mua bất động sản cao cấp.
Chưa kể, hầu hết khoản vay mua nhà của người dân hay các chủ đầu tư đều là những khoản vay có "giá trị lớn" nên có thể dẫn đến hệ quả là các tổ chức tín dụng ngại hoặc không dám cho vay đối với doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư thứ cấp và kể cả cá nhân, hộ gia đình...
"Điều này sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản. Ảnh hưởng đến thị trường tức là ảnh hưởng đến doanh nghiệp, doanh nghiệp gặp khó thì nguồn cung không thể tăng, từ đó ảnh hưởng đến người mua nhà", ông Lê Hoàng Châu phân tích.
Những lo ngại của vị đại diện HoREA rõ ràng là có cơ sở, bởi khoản vay có "giá trị lớn" là bao nhiêu là rất khó xác định, đồng thời việc giao cho từng ngân hàng quy định thì mỗi đơn vị sẽ có những quy định khác, có thể gây ra sự thiếu đồng nhất, thậm chí hỗn loạn. Đây là vấn đề cần được giải quyết triệt để, với sự rõ ràng đối với cá nhân bao nhiêu gọi là lớn, đối với doanh nghiệp mức nào là lớn .
Diễn biến từ thực tế cho thấy, người mua nhà đang rơi vào thế “một cổ hai tròng”, từ bão giá càn quét đến nguồn vốn vay bị siết chặt, trong khi nguồn cung nhà giá bình dân ngày càng khan hiếm. Vì vậy, cần có cơ chế để người có nhu cầu mua nhà thực và những chủ đầu tư uy tín có thể tiếp cận được vốn vay, qua đó giải “cơn khát” nhà ở đang ngày càng gia tăng.
Hưng Nguyên