Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, thời gian tới, thành phố cần chú ý đến công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị. Trong đó, tiếp tục hoàn thành và trình duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện Nhiệm vụ đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chú ý công tác quy hoạch và đô thị vệ tinh
Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục hoàn thiện, trình phê duyệt một số quy hoạch đô thị vệ tinh, quy hoạch vùng huyện; hoàn thành một số quy hoạch chi tiết khu chung cư cũ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án cải tạo chung cư cũ.
Đơn cử, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 là công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội từ năm 2011 đến nay.
Dựa trên Đồ án Quy hoạch, TP. Hà Nội đã tiến hành lập và phê duyệt đồng loạt các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, các huyện ngoại thành, quy hoạch phân khu các khu vực thuộc đô thị trung tâm… đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Nội đang quan tâm đặc biệt đến công tác quy hoạch và xây dựng đô thị vệ tinh. |
Bí thư Thành ủy Hà Nội từng khẳng định, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô sẽ kiên định với định hướng phát triển hai thành phố trực thuộc Thủ đô là: TP Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh), TP phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai).
Cùng với đó là 5 trục không gian chính, gồm: Trục không gian sông Hồng, lấy Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, thay đổi quan điểm phát triển theo hướng quay mặt ra sông thay vì quay lưng ra sông như hiện nay; Trục không gian Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; Trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa xác lập không gian kiểm soát đặc biệt là tổ hợp các khu chức năng công cộng gắn với các công trình biểu tượng; Trục không gian Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh; Trục không gian phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh tại Mỹ Đức và Hà Nam.
Đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm
Cùng với đó, trong thời gian tới, Hà Nội đang có nhiều kế hoạch, giải pháp để quy hoạch và xây dựng các đô thị vệ tinh phát triển để mở rộng không gian, giảm áp lực quá tải nội đô, tiến tới một Thủ đô xứng tầm.
Để đạt mục tiêu, Hà Nội đã sớm định hướng và quy hoạch 5 đô thị vệ tinh gồm: Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn với tổng diện tích gần 25.000 ha.
Theo đó, đô thị vệ tinh có mục tiêu kéo giãn dân cư, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; phát triển hài hòa giữa khu vực trung tâm và vùng ngoại thành... tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đổi mới cơ cấu đầu tư, thúc đẩy vai trò liên kết của Hà Nội với các tỉnh trong khu vực.
Bên cạnh các vấn đề về quy hoạch chung và xây dựng đô thị vệ tinh, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Hà Nội sáng 3/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh thành phố cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm.
Điển hình như "siêu dự án" đường Vành đai 4, các dự án thuộc kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, tôn tạo di tích… Đồng thời, thực hiện tốt các chương trình, đề án xây dựng đã được phê duyệt, tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Các công trình trọng điểm sẽ tiếp tục được Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai. |
Riêng với dự án đường Vành đai 4-Vùng thủ đô đã chính thức khởi công từ ngày 25/6, tổng chiều dài hơn 112 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2027, với nhiều kỳ vọng mở ra không gian phát triển mới.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là Dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư; đồng thời là Dự án có tính chất liên vùng đầu tiên.
Tại buổi khởi công dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô vào sáng 25/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng lễ khởi công mới là thắng lợi bước đầu, bởi khối lượng công việc còn lại là rất lớn. Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Vì trước đây, nhiều công trình tại Thủ đô mất hàng chục năm chưa hoàn thành công tác này, nhưng với vành đai 4 chỉ sau hơn một năm, Hà Nội đã có trên 80% mặt bằng được giải tỏa.
Tìm giải pháp đột phá
Dù đạt được những thành công ấn tượng, tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Thành phố còn một số tồn tại, hạn chế, như tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ và mục tiêu đề ra; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn...
Bên cạnh đó là một số vấn đề trong quá trình phát triển đô thị chưa được khắc phục triệt để như: Ùn tắc giao thông, úng ngập, xử lý rác thải, nước thải chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu bền vững; tình trạng vi phạm quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng; công tác quản lý tài sản công...
Vì vậy, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị các đại biểu HĐND cần thảo luận kỹ, đi sâu, làm rõ tính hiệu quả, các giải pháp đột phá, tầm nhìn xa hơn, bảo đảm phù hợp, khả thi để triển khai nhanh, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế to lớn của Thủ đô về nguồn lực con người, khoa học và công nghệ, giải phóng các nút thắt về hạ tầng, thể chế và phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của cơ sở.
Đối với giải ngân vốn đầu tư công, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công đảm bảo đạt mức cao nhất, tăng trách nhiệm người đứng đầu, đưa kết quả giải ngân thành một chỉ tiêu để đánh giá thi đua năm 2023.
Đặc biệt, quan tâm đến việc giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đường vành đai 4 đã được Quốc hội thông qua, đảm bảo toàn bộ mặt bằng sạch đến cuối năm 2023.
Cũng trong khuôn khổ phiên khai mạc kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Hà Nội sáng 3/7, lãnh đạo Thành phố thông tin trong nửa đầu năm 2023, kinh tế - xã hội Thủ đô đã đạt được kết quả khả quan: GRDP 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 5,97% so cùng kỳ (cả nước tăng 3,72%).
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 220,1 ngàn tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán, tăng 22,9% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,3% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 369 ngàn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch đến Hà Nội gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,22%...
Mỹ Chí