Lễ khởi công dự án được tổ chức tại 4 địa điểm trên địa phận Hà Nội gồm: Km28+900, xã Song Phương, huyện Hoài Đức; Quốc lộ 2 giao đường Vành đai 4 xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai; xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội. Cùng với 4 điểm cầu tại Hà Nội, lễ khởi công dự án cũng được tổ chức đồng thời tại Bắc Ninh và Hưng Yên. Đồng thời, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 cũng được khởi công tại Đồng Tháp và Tiền Giang.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công. |
Dự án liên vùng đầu tiên
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là Dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Đồng thời là Dự án có tính chất liên vùng đầu tiên.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, đi qua địa bàn 03 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) được ví như “tuyến vành đai kết nối mọi vành đai”, trong đó đoạn qua Hà Nội dài 58 km, qua Hưng Yên 19 km, qua Bắc Ninh 35 km. Dự án có tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 28.173 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng, vốn Nhà đầu tư BOT là 29.447 tỷ đồng. Tổng khối lượng giải phóng mặt bằng của dự án khoảng 1.386 héc ta, trên tuyến xây dựng 03 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống và 08 nút giao khác mức.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm 07 dự án thành phần do thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh là cơ quan chủ quản. Trong đó 03 dự án giải phóng mặt bằng và 03 dự án đầu tư xây dựng đường song hành được thực hiện theo hình thức đầu tư công, riêng dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Vành đai 4 chính thức khởi công tại 4 điểm cầu tại Hà Nội. |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết sau 01 năm 9 ngày, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đảm bảo toàn bộ các điều kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra (trước ngày 30/6/2023). Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%, trong đó thành phố Hà Nội đạt trên 84% (cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%).
Đại diện Ban quản lý dự án công trình giao thông Hà Nội cho biết thời gian qua, UBND Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã tiến hành kiểm đếm mặt bằng, di dời mồ mả để đảm bảo bàn giao 80% mặt bằng sạch trước ngày khởi công. Cùng với việc thi công đường song hành, TP Hà Nội đang hoàn tất hồ sơ dự án cao tốc Vành đai 3 (DATP 3) để lựa chọn nhà đầu tư BOT.
Hạng mục cao tốc vành đai 4 sẽ có 39,86km đi dưới thấp (35% tổng chiều dài) và 73,66km đi trên cao (cầu cạn). Cầu cạn cao tốc được thiết kế với tĩnh không tối thiểu 7,5m. Mặt cắt ngang cao tốc có 4 làn xe (bề rộng đường 17-17,5m). Dải dừng khẩn cấp được bố trí cách nhau 4-5km.
Vành đai 4 được kỳ vọng trở thành vành đai kết nối mọi vành đai. |
Trước đó, trong buổi kiểm tra công tác chuẩn bị lễ khởi công dự án, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh đã khởi công phải làm ngay, đã làm là phải làm liên tục.
Chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu chuẩn bị đầy đủ máy móc, sẵn sàng nguyên vật liệu để tổ chức thi công. Các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị và từng đồng chí phải coi thực hiện dự án bảo đảm tiến độ theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị là cơ bản hoàn thành vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027.
“Phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn nữa để thực hiện”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu 7 quận, huyện và các cơ quan, đơn vị tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành tái định cư để 100% hộ dân về nơi ở mới và đến cuối năm 2023 hoàn thành 100% giải phóng mặt bằng.
3 kinh nghiệm của Hà Nội
Chia sẻ về quá trình chuẩn bị và triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại lễ khởi công sáng 25/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ ra 3 kinh nghiệm để triển khai hiệu quả dự án.
Một là, phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân; với tinh thần lấy kết quả thực hiện Dự án là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời nhận thức và xác định rõ đây là trách nhiệm, là uy tín của Thành phố. Huy động sự vào cuộc một cách thực chất, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội từ Thành phố đến cơ sở. Qua đó đã tạo hiệu ứng, lan tỏa khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại đến từng cán bộ, đảng viên và người dân.
Hai là, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường với tinh thần giảm đầu mối, cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân thì giao cấp đó thực hiện. Thành phố đã ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án. Các quận, huyện đã tổ chức ký giao ước thi đua đẩy nhanh tiến độ theo từng ngày, thực hiện rút ngắn tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính của Dự án (Thành phố đã chỉ đạo thực hiện đường tiếp nhận văn bản riêng về Dự án đường Vành đai 4 và đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục từ 24 đến 48 tiếng tại mỗi cơ quan, đơn vị).
Ba là, tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, từ kinh nghiệm thực tế triển khai các dự án trên địa bàn, thành phố Hà Nội xác định công tác giải phóng mặt bằng là khâu “trọng điểm của trọng điểm”. Ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ xây dựng Dự án, Thành phố đã đề xuất thực hiện tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; từ đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình, đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được phê duyệt.
Lệ Chi