Bộ Công Thương vừa có thông tin về cuộc họp nội bộ giữa cơ quan này với 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường vào ngày 12/10 vừa qua.
Lãi 6 tháng không đủ bù lỗ 2 tháng
Tại cuộc họp trên, nhiều doanh nghiệp đầu mối lớn đã liệt kê hàng loạt khó khăn. Cụ thể, bà Trần Thị Tuyết Mai, Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà chia sẻ, thực sự nguồn cung xăng dầu không thiếu mà vì doanh nghiệp đang lỗ lớn do chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu về được. Đề nghị liên Bộ, Chính phủ, Thủ tướng xem xét, cân đối lại, chấp nhận các chi phí thực tế mà doanh nghiệp bỏ ra. Bởi, công thức tính giá đã được quy định từ năm 2014 và hiện nay đang biến động rất lớn.
Doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý tính đủ, tính đúng chi phí trong giá cơ sở xăng dầu. |
“2 Nhà máy Nghi Sơn và Bình Sơn đang cung cấp 70-80% lượng xăng dầu cho thị trường trong nước, còn lại là nhập khẩu. Ngoài ra, do rủi ro bất khả kháng từ các nhà máy dẫn đến có thời điểm thị trường thiếu cục bộ khoảng 30-40%, buộc phải nhập khẩu. Nhưng chi phí nhập khẩu đang tăng cao, nên doanh nghiệp lỗ lớn. Đơn cử, quý I, chi phí là 306 đồng/lít, quý II là 450 đồng/lít; quý III là 967 đồng/lít, tức là bình quân doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít. Sang quý IV, doanh nghiệp dự kiến lỗ 1.100 đồng/lít. Khoản lỗ này ai gánh cho doanh nghiệp?”, bà Mai nêu.
Do đó, bà Mai đề nghị các cơ quan chức năng nên điều chỉnh 6 tháng/lần chi phí thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong quá trình kiểm tra, nếu có sơ suất thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục.
Ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Nhà máy lọc dầu Cát Lái - Saigon Petro thông tin, doanh nghiệp vẫn nỗ lực cố gắng tìm cách để nhập hàng nhưng hiện mức premium nước ngoài về và chi phí đưa hàng từ nước ngoài về cảng Việt Nam quá cao, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.
“Thời điểm đầu năm đến quý II, nhờ giá tăng nên doanh nghiệp có lãi nhưng từ quý III vừa rồi, đặc biệt là giai đoạn tháng 7, tháng 8, doanh nghiệp nào cũng lỗ mà không dám nói, vẫn phải thực hiện theo đúng quy định là dù thế nào cũng phải đảm bảo được nguồn hàng”, ông Thoại nói.
Theo Saigon Petro, lãi của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm không đủ bù lỗ trong 2 tháng vừa rồi, song vì trách nhiệm nên vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của đầu mối kinh doanh xăng dầu. Nhưng đến tháng 10, doanh nghiệp không thể nhập khẩu được nữa, mà chỉ dám “cắn răng” nhập khẩu 1 chuyến từ nước ngoài về để đáp ứng nhu cầu trong nước, thêm lượng hàng nhập từ Bình Sơn và Nghi Sơn để bán.
Làm gì để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp?
Vì vậy, Saigon Petro đề xuất, cần phải tính đúng, tính đủ chi phí cho doanh nghiệp. Mặc dù vừa rồi, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước, nhưng doanh nghiệp đã lỗ quá nặng, rất khó khăn cho việc vay vốn ngân hàng. Hiện nay, Saigon Petro đã phải rút tiền vốn của mình ra để đáp ứng được việc mua hàng.
“Hiện nay ở các cây xăng có tình trạng có cây xăng đổ được, có cây xăng không thể đổ được. Tình trạng này sớm muộn cũng phải xảy ra, không phải do doanh nghiệp mà là do thị trường. Do đó, liên Bộ cần hỗ trợ doanh nghiệp để làm sao tính đúng tính đủ mặt bằng chi phí để doanh nghiệp “sống được”, ông Thoại đề xuất.
Thực tế, tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ lại lời tâm sự của doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu là họ bị "đen" khi nhập giá từ nước ngoài thời điểm rất cao, nhưng về nước lúc giá bán được điều chỉnh xuống thấp, dẫn đến thua lỗ.
"Bản thân các doanh nghiệp nhập xăng dầu về Việt Nam trong các quý I, II/2022 đã chịu mua với giá cao, nhưng sau đó các tháng 7, 8 và 9, giá xăng dầu thế giới và trong nước liên tục hạ nên họ phải bán giá thấp hơn giá mua vào, thua lỗ nặng, kéo dài", ông Hải nói.
Tuy vậy, nhìn ở góc độ ngành tài chính, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong cơ cấu giá cơ sở, giá thế giới chiếm 60%, giá này phụ thuộc hoàn toàn giá thế giới. Nếu doanh nghiệp nhập khẩu nào dự báo, dự đoán giỏi, mua vào thời điểm giá phù hợp thì sẽ có lợi nhuận nhất định.
Về chi phí, theo quy định hiện hành, tại mỗi kỳ điều hành, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá phù hợp nhất, cân đối lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Về mặt trách nhiệm, theo pháp luật, Bộ Tài chính thực hiện tương đối đầy đủ, như hướng dẫn cơ cấu giá, phân tích trích lập Quỹ bình ổn giá và thông báo các chi phí định mức.
Đối với chi phí định mức đưa xăng dầu từ nước ngoài về, định kỳ hàng năm, Bộ Tài chính thông báo 2 lần vào ngày 10/1 và ngày 10/7. Trong thời gian qua, từ khi Nghị định 95 ra đời, Bộ Tài chính có thông báo, điều chỉnh đúng thực tế. Tuy nhiên, từ ngày 10/7 đến nay, thị trường xăng dầu diễn biến quá bất thường, dẫn đến chi phí thay đổi, không đáp ứng được thực tế, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Còn chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về cảng và premium trong nước vừa được điều chỉnh ngày 11/10.
“Tuy nhiên, trên thực tế có phát sinh thêm như tiền thuê đất, nhân công,… vì vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nghiên cứu những đề xuất và thời hạn điều chỉnh để có biện pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp”, ông Truyền nhấn mạnh.
Lê Thúy