Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều nay (12/10) tại Hà Nội xung quanh nhiều vấn đề nóng về tình hình thiếu hụt xăng dầu và biện pháp quản lý của Bộ Công Thương hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. |
Có nhiều câu hỏi xung quanh việc trách nhiệm của Bộ Công Thương trước tình trạng xăng dầu phía Nam đang thiếu hụt cục bộ, nhiều đại lý đóng cửa, báo hết xăng và trách nhiệm của Bộ Công Thương khi mới đây Bộ đưa ra thông tin chỉ có 100/1.700 cửa hàng xăng dầu phía Nam tạm đóng cửa… là không phổ biến.
Trong khi đó, thực tế tại TPHCM đã có hơn 120 đại lý xăng dầu bán lẻ tạm đóng cửa do hết xăng, ngoài ra còn nhiều tỉnh thành khác như An Giang, Đắc Lắk, Ninh Thuận…. có nhiều đại lý hết xăng dầu.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: “Nhìn nhận tổng thể, cả đất nước có gần 17.000 cửa hàng, số lượng cửa hàng đóng cửa bao nhiêu thì cần thống kê cụ thể hơn".
Nhưng “dù bao nhiêu thì Bộ Công Thương và các bộ ngành cũng cần nhìn thẳng vào trách nhiệm, có biện pháp xử lý và giải quyết”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
Theo ông Hải, vấn đề xăng dầu hiện nay không chỉ có nóng mà còn quan trọng, cấp thiết. Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề tổng thể thế nào, khách quan ra sao để có hướng khắc phục triệt để.
Theo lý giải của Thứ trưởng Bộ Công Thương, từ cuối năm 2021, tình hình thế giới biến động phức tạp, biến động xấu ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung năng lượng, trong đó có mặt hàng xăng dầu. Đến giờ phút này, không phải so với ai nhưng rõ ràng rất cố gắng với sự chỉ đạo của các cấp, địa phương, DN, cơ bản đáp ứng nguồn cung cho sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng người dân.
"Sáng nay 12/10, chúng tôi cùng Bộ Tài chính làm việc, họp với các đầu mối, thương nhân và đại diện hai nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn và Dung Quất. Một số đầu mối nói báo chí đăng hình ảnh đại lý thiếu xăng đóng cửa, nhưng trong đó có cửa hàng không còn kinh doanh, họ cứ treo biển để đó chứ không dọn đi được", Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng lý giải hiện tượng chiết khấu 0 đồng, nguyên nhân khiến đại lý xăng dầu bán lẻ càng bán càng lỗ, không nhập xăng dầu bán là do đầu mối, thương nhân phân phối đang bị lỗ do nhập xăng về với giá cao.
“Quý II/2022, do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trục trặc, giảm công suất xuống 50%, có thời gian gián đoạn dừng. Bộ Công Thương đã yêu cầu 10 doanh nghiệp đầu mối tăng lượng xăng nhập khẩu, bù nguồn xăng trong nước”, ông Hải thông tin.
Tuy vậy, điều không may mà Thứ trưởng Công Thương chỉ ra là các thương nhân đầu mối cho biết, khi giá nhập vào thời điểm quý II cao, nhưng sau đó giá thế giới liên tục giảm, giá trong nước giảm mạnh, dẫn đến doanh nghiệp đầu mối lỗ nặng, lỗ trong thời gian dài.
Về giải pháp, Thứ trưởng Công Thương cho biết tại kỳ điều hành giá ngày 11/10 vừa qua, cơ quan điều hành đã điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu, từ đó giúp các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng biện pháp này chỉ giải quyết được một phần khó khăn. Hiện nay, chi phí vận chuyển xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam vẫn tăng mạnh khiến doanh nghiệp thua lỗ. Do vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính giải quyết vấn đề trên.
Lê Thúy