Sau sự việc nhiều cửa hàng thiếu xăng dầu, ngày 12/10, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với Bộ Tài chính và các doanh nghiệp nhằm tìm ra nguyên nhân.
Nguồn cung đủ nhưng vì sao thiếu xăng?
Cung cấp thông tin sau cuộc họp trên, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới việc điều hành thị trường xăng dầu trong thời gian qua.
Cửa hàng bán lẻ treo biển hết xăng, còn dầu, hoặc đóng cửa đã xảy ra trước kỳ điều hành 11/10. |
Cụ thể, trong quý II/2022 do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Lọc dầu Nghị Sơn nên các doanh nghiệp (DN) phải tăng nhập khẩu xăng dầu từ thế giới về, dù giai đoạn này giá cao. Tuy nhiên, sau đó từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10, giá thế giới giảm mạnh, dẫn tới nhiều DN thua lỗ lớn, hoạt động nhập khẩu cầm chừng. Đồng thời, việc 7 DN bị tước giấy phép tạm thời từ 1-1,5 tháng cũng ảnh hưởng tới hoạt động nhập khẩu. Do DN đầu mối hoạt động thua lỗ nên đã giảm chiết khẩu để hạn chế lấy hàng.
Bên cạnh đó, nguồn tín dụng bị thắt chặt trong khi giá nhập khẩu tăng, khó tiếp cận ngoại tệ, DN không có tài chính nhập khẩu nên duy trì lượng hàng đủ cung cấp cho DN phân phối của mình. Mặt khác, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao, trong khi chưa được tính đủ chi phí trong giá cơ sở…
Trước rất nhiều khó khăn trên, ông Đông cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát các chi phí trong cơ cấu tính giá để đảm bảo tính đủ, tính đúng. Đồng thời, Bộ Công Thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn, tăng nguồn lực nhập khẩu.
“Bộ Công Thương cũng đề nghị 2 nhà máy lọc dầu giao hàng nhanh cho DN có nhu cầu mua ngay, dù không có hợp đồng dài hạn”, ông Đông thông tin.
Các chuyên gia cho rằng, thẳng thắn mà nói, lý do mà Bộ Công Thương đưa ra khá hợp lý nhưng khi khó khăn cũng là lúc nhìn thấy những bất cập trong vận hành của chuỗi cung ứng xăng dầu vốn luôn bị đánh giá là độc quyền, thiếu thị trường.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả (Bộ Tài chính), nguyên nhân là do giá bán thấp hơn giá nhập, DN đầu mối không được bù thiếu hụt dẫn đến tìm mọi cách đẩy lỗ cho đại lý. Kết quả, tận dụng quy định độc quyền mua xăng dầu chỉ từ một đầu mối duy nhất, thương nhân tăng giá bán buôn bằng hoặc gần bằng giá bán lẻ, dùng đủ chiêu cắt chiết khấu nhằm giảm nguồn hàng bán ra.
“Nhà nước quy định giá bán lẻ nhưng không quy định giá trần và giá sàn bán buôn cho các công ty đầu mối và nhà phân phối. Đây là nguyên nhân khiến các thương nhân phân phối nâng giá bán buôn để giảm lỗ hoặc tăng lợi nhuận, đáng nói là họ kê khống cả phí vận chuyển để đại lý bán lẻ chịu để họ né hoặc đẩy khoản lỗcho đại lý”, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, chuyên kinh doanh xăng dầu tại Trà Vinh bày tỏ.
Cần xem lại độc quyền đầu mối xăng dầu
Hiện tại, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và 95/NĐ-CP của Chính phủ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được ký hợp đồng làm đại lý, mua và bán xăng cho một tổng đại lý, thương nhân phân phối hoặc đầu mối. Quy định này đang gây nhiều tranh luận.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, quy định mua của một đầu mối chỉ phát sinh vấn đề khi giá xăng dầu giảm mạnh, giảm liên tục trong thời gian ngắn. Chính vì thế, cần tìm hiểu kỹ, không nên vội vàng lấy hiện tượng để thay đổi bản chất chuỗi cung ứng hiện nay. Bởi trong điều kiện bình thường, các nhà phân phối chạy đôn đáo để chăm sóc đại lý bán xăng, chốt lời, thậm chí cả đại lý nhượng quyền, uỷ quyền. Xưa nay, đại lý bán lẻ không kêu ca vấn đề này.
Hiện nay có hơn 30 thương nhân đầu mối, hơn 400 thương nhân phân phối; quá nhiều đối tác để lựa chọn, đàm phán hoa hồng và "chọn mặt gửi vàng". Song, nghịch lý là năng suất bán xăng dầu của đại lý quá thấp và nhiều đại lý lỗ là điều được cảnh báo từ trước.
“Việt Nam hiện có khoảng 16.700 cửa hàng bán lẻ, chia bình quân chỉ khoảng 70 khối/tháng, các hệ thống lớn có thể bán được khoảng 120 - 150 khối/tháng, còn đại lý nhỏ có khi chỉ bán được vài chục khối/tháng. So với các nước khác, khối lượng bán xăng dầu của họ trung bình là 300 - 380 khối/tháng, năng suất cao hơn rất nhiều”, ông Bảo nói và cho rằng, năng suất quá thấp, chẳng có cách gì có lãi được, thậm chí “đại lý có chiết khấu cao cũng lỗ chứ không nói gì đến đại lý nhỏ hoặc đại lý mới xây dựng, chưa hết khấu hao”.
Tuy nhiên, nhìn từ phía thị trường, nhiều DN lại cho rằng, quy định đại lý chỉ được mua xăng dầu của một đầu mối là nguồn gốc của độc quyền chuỗi cung ứng, không phù hợp trong cơ chế thị trường và vô tình tạo kẽ hở cho hành vi thao túng nguồn cung, giá chiết khấu (hoa hồng).
Bên cạnh đó, theo các DN, giải pháp hiện nay là cần tháo gỡ khó khăn về chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức của DN xăng dầu, có thể cân nhắc việc quy định khoảng chiết khấu cố định 1.500 đồng/ lít hoặc quy định thương nhân đưa ra mức giá bán buôn đến tay đại lý bán lẻ không được quá 95% giá bán lẻ.
TS. Vũ Đình Ánh cũng chỉ ra, quy định độc quyền mua bán xăng dầu vẫn đang có nhiều tranh luận. Song, để tiến tới một thị trường cạnh tranh, cần được sửa đổi để không gây tổn thương cho ai và thị trường. Tất nhiên, vì xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan đến an ninh năng lượng nên cần có cơ chế giám sát nguồn cung và chất lượng, để Nhà nước quản lý chặt chẽ, tránh “trăm dâu đổ đầu… đại lý” và cảnh “cha chung không ai khóc”.
Ông Đỗ Thắng Hải Thứ trưởng Bộ Công Thương Vấn đề xăng dầu không phải chỉ nóng mà rất quan trọng, cấp thiết. Dù một cửa hàng đóng cửa thì Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan cũng cần nhìn thẳng vào trách nhiệm để có biện pháp xử lý, giải quyết. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung giải quyết khó khăn cho DN, bởi DN khó khăn thì sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để tập trung xử lý các vướng mắc này trong thời gian tới. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh Giảng viên Học viện Tài chính Tình trạng chiết khấu 0 đồng và DN đầu mối hạn chế nhập khẩu có thể được xác định là một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu bất ổn. Theo đó, Liên Bộ cần phải có cơ chế rõ ràng và thống nhất trên cơ sở thực tế để giảm gánh nặng cho DN trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng cần phải giám sát, phân thời gian, sản lượng cho các đầu mối nhập khẩu, đảm bảo đúng số lượng. DN nào không nhập đúng thời hạn, không đảm bảo cung ứng trên thị trường thì cần phải xem xét loại bỏ. Ông Tô Hoài Nam Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN vừa và nhỏ Đối với các DN bán lẻ xăng dầu hiện nay, mức chi phí bán lẻ chưa tính đến lợi nhuận là từ 700 - 800 đồng/lít, mức chi phí này dao động do phụ thuộc sản lượng và các điều kiện kinh doanh khác như sản lượng, vị trí địa lý vùng sâu, vùng xa. DN đề nghị chi phí bán lẻ tối thiểu tại đại lý bán lẻ xăng dầu phải ở mức 1.200 - 1.400 đồng/lít trong công thức tính giá cơ sở hiện nay (với điều kiện đầu mối giao hàng tại cửa hàng). Việc quy định tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng từ một nguồn là không còn phù hợp với điều kiện và sự phát triển của thị trường kinh doanh xăng dầu hiện nay. Nếu cho rằng quy định về điều này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là không còn phù hợp. |
Nhật Linh