Trung bình sàn TMĐT Lazada đạt sản lượng 5 - 10 tấn/ngày đối với rau xanh và thực phẩm chế biến. |
Tại Hà Nội, những ngày qua, các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp bán lẻ đều có phương án bán hàng online, giao nhanh cho người dân. Trong bất kỳ tình huống nào, các mặt hàng đều đảm bảo đáp đầy đủ ứng nhu cầu của nhân dân, kể cả khi nhu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng.
Đại diện Shopee cho biết, sàn TMĐT này triển khai chương trình “Đi chợ Shopee”, giới thiệu đa dạng các mặt hàng nhu yếu phẩm với nhiều ưu đãi. “Đi chợ Shopee” nhằm bổ trợ kênh thu mua, vận chuyển, phân phối nguồn thực phẩm cho người dân Hà Nội và TP HCM.
Tận dụng lợi thế sẵn có khâu xử lý đơn hàng và chuỗi cung ứng đa dạng, chương trình “Đi chợ Shopee” sẽ hỗ trợ người tiêu dùng đặt mua nhiều loại mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống và chế biến, thực phẩm khô, gia vị… giao hàng nhanh chóng ngay trong ngày từ các nhà bán hàng.
Ngoài các mặt hàng trên, khách hàng có thể lựa chọn và đặt mua các sản phẩm nông sản sạch của các địa phương từ ShopeeFarm với giá tại vườn, bao gồm rau củ quả như: dừa xiêm, bưởi da xanh, sapoche, sầu riêng, mít Tiền Giang, nhãn lồng Hưng Yên… Đối với người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.HCM, Shopee còn ưu đãi phí vận chuyển.
Trong những ngày qua, sàn TMĐT Sendo đã phối hợp với các nhà vận hành tạo ra các combo rau quả giao ngay, thịt tươi mỗi ngày áp dụng hình thức giao nhanh; các sản thực phẩm tươi sống đều được cung cấp đầy đủ và được tiêu thụ rất nhanh theo ngày.
Bên cạnh đó, các sàn như Tiki hay Lazada với các thực phẩm tươi sống tương tự cũng được tiêu thụ nhanh và tiếp tục tìm kiếm thêm nguồn cung đảm bảo chất lượng, giá cả ổn định cho người dân.
Chẳng hạn, sàn TMĐT Tiki đã ghi nhận khoảng 10 tấn rau củ quả và 10.000 đơn hàng/ngày đối với mặt hàng thiết yếu. Sàn TMĐT Lazada có sản lượng trung bình 5 - 10 tấn/ngày đối với rau xanh và thực phẩm chế biến.
Không chỉ có các sàn TMĐT, hàng loạt siêu thị trên địa bàn Hà Nội cũng đã triển khai chương trình “đi chợ thay khách hàng”. Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc cho biết, bên cạnh kênh bán hàng trực tiếp tại hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng tiện lợi VinMart +, nhà bán lẻ này còn cung cấp dịch vụ “Đi chợ hộ” thông qua danh sách số điện thoại của từng siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc.
Theo đó, khách hàng cũng có thể đặt mua hàng qua các ứng dụng điện tử như: VinID, Now, Lazada... hoặc qua website https://vinmart.com, khách hàng có thể thanh toán online và chỉ việc nhận hàng, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt.
Theo đại diện của AEON Việt Nam, kể từ khi Hà Nội siết chặt phòng dịch (ngày 19/7) đến nay, số lượng đơn hàng qua các kênh online vẫn đang tiếp tục tăng mạnh so với tuần trước đó.
Ông Nguyễn Nhơn Quý, Trưởng phòng truyền thông AEON Việt Nam cho hay, ngoài mua trực tiếp tại siêu thị, khách hàng có thể mua hàng thông qua các kênh online của AEON Việt Nam như: Đặt hàng qua điện thoại: gọi điện/nhắn tin tới số điện thoại của các siêu thị AEON hoặc trên ứng dụng AEON Vietnam để được giao hàng trong 3-5 ngày; Đặt hàng để được giao ngay qua ứng dụng GrabMart/ NowFres; Hoặc mua sắm trên trang thương mại điện tử AEONEshop (https://aeoneshop.com/) và nhận hàng trong vòng 3-10 ngày.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người dân Hà Nội có thể sử dụng kênh mua sắm online này để vừa đảm bảo nhu yếu phẩm cho gia đình, vừa tránh tiếp xúc đông người, nơi dễ lây lan dịch bệnh.
Hoàng Hà