VinMart đảm bảo cung ứng hàng hóa sau Công điện 15 của UBND Hà Nội. |
Sau khi Hà Nội có Công điện số 15/CĐ-CTUBND về tăng cường thêm các biện pháp phòng dịch Covid-19, hệ thống VinMart/VinMart+ tại Hà Nội ghi nhận số lượng người mua sắm tăng cao. Nhóm hàng nhu yếu phẩm, hàng tươi sống, rau và trái cây... được khách hàng lựa chọn nhiều, dẫn đến tình trạng trống kệ cục bộ các mặt hàng này tại một số điểm bán.
Chị Ngọc Diệp (Phương Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Giá cả vẫn như ngày thường, nhưng mọi người đều mua nhiều hơn, ai cũng chất đầy xe chở hàng".
Theo chị Diệp, việc này là do tâm lý lo lắng dịch bệnh Covid-19 sẽ chuyển biến căng thẳng trong những ngày tới. Lúc đó, việc đi lại sẽ khó khăn...
Ông Khúc Tiến Hà, cho biết: “Ngay từ đầu mùa dịch, đặc biệt trong đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, hệ thống siêu thị đã tăng cường chuẩn bị các kịch bản đảm bảo chuỗi cung ứng với mọi tình huống của dịch bệnh. Riêng tại Hà Nội, chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp lớn, tăng lượng dự trữ hàng hóa lên gấp 3 lần nhằm đảm bảo bảo hàng hóa đầy đủ trên quầy kệ tại tất cả các điểm bán”.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Siêu thị chủ động làm việc với ban chỉ đạo phòng chống dịch tại các địa phương nhằm giúp các xe chở hàng hóa, lương thực thiết yếu được lưu thông nhanh chóng.
Hiện siêu thị có dịch vụ “Đi chợ hộ” thông qua danh sách số điện thoại của từng siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc, đặt mua hàng hóa qua các ứng dụng điện tử như VinID, Now, Lazada... hay đặt hàng online trên website, khách hàng có thể thanh toán online và chỉ việc nhận hàng, tránh lây lan dịch bệnh khi sử dụng tiền mặt.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Co.opmart Hà Đông cho biết, hệ thống siêu thị đã tăng 50% lượng hàng cung ứng cho hệ thống, người tiêu dùng luôn mua được giá tốt nhất, bình ổn khi mua sắm, nguồn cung ứng không bị ảnh hưởng, siêu thị lúc nào cũng đủ nguồn cung cho người tiêu dùng. Ngoài ra, để hạn chế đông người, siêu thị Co.opmart Hà Đông bắt đầu triển khai bán hàng qua mạng và đưa tận nơi ở khu vực nội thành với đơn hàng từ 200 nghìn đồng trở lên. Với phương án này giúp các hộ dân mua sắm tiêu dùng sẽ thuận tiện hơn, giảm đi lại trong thời gian dịch bệnh.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang thực hiện dự trữ hàng hóa theo phương án 5 của Sở Công thương Hà Nội trong thời gian 3 tháng, và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (15 mặt hàng thiết yếu). Lượng hàng hóa dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng.
"Trong bất kỳ tình huống nào các hàng hóa cũng đảm bảo đáp đầy đủ ứng nhu cầu của nhân dân kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng. Phân bổ lượng hóa đầy đủ trong hệ thống, đổi mới nhiều phương thức phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online… để hạn chế tập trung đông người tại hệ thống phân phối", giám đốc một siêu thị cho hay.
Thanh Hoa