Từ đầu mùa dịch Covid-19 đợt 4 này, các nông dân ở thôn 1, xã Suối Rao thuộc Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) gặp khó trong việc tiêu thụ hơn 50 tấn cá nước ngọt (gồm cá trắm cỏ và cá chép), mà một trong những nguyên nhân chính nằm ở khâu vận chuyển.
Nông dân có thể lỗ tới... 50%
Như chia sẻ của một số nông dân nuôi cá tại đây, do đang thời điểm “nóng” của dịch Covid-19 nên trong xã thiếu xe tải có trọng tải lớn, kèm thùng đựng cá có chứa bình ô xy để vận chuyển đến người tiêu dùng trong huyện. Do địa phương không có số lượng xe đáp ứng đủ yêu cầu, buộc người nuôi phải thuê xe từ nơi khác đến, nên chi phí thuê vận chuyển tăng cao.
Các tài xế container gặp nhiều bất tiện khi buộc phải có kết quả xét nghiệm âm tính khi qua các điểm chốt chặn. |
Với tình hình vận chuyển khó khăn, lại đắt đỏ, trong khi giá thu mua lại sụt giảm nên các nông dân nuôi cá nước ngọt ở xã Suối Rao cho biết, họ có thể bị lỗ đến 50%.
Đó chỉ mới là chuyện khó khăn vận chuyển ở cấp xã, huyện. Còn tình hình vận chuyển hàng hoá nông sản trong các tỉnh, thành ở phía Nam giữa “bão” dịch lại càng mệt mỏi hơn.
Như than phiền của nông dân Trần Văn Vũ, chủ một trang trại nông sản ở tỉnh Lâm Đồng, những ngày qua rất khó để tìm được phương tiện vận chuyển rau xuống Tp.HCM (đang giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ) cho khách. Nhất là nhiều nhà xe vừa tăng thêm giá cước vận chuyển lại từ chối vận chuyển hàng hóa vào khu vực trung tâm Tp.HCM.
Còn ở Tp.Cần Thơ, theo ông Ngô Sĩ Tiến, Trưởng phòng Kinh doanh, Nông trường Sông Hậu, bình thường mỗi ngày có 30-40 chuyến xe tải (6,5-8 tấn) vào lấy hàng chở đi cung ứng cho các chợ đầu mối tại Tp.HCM, còn trong những ngày giữa tháng 7/2021 này thì không còn xe nào vào nhận hàng nữa, thương lái cũng không đến.
Còn các tài xế xe tải thì cho biết, họ đang gặp nhiều bất tiện khi phải liên tục khai báo y tế tại các chốt, trạm kiểm dịch. Anh Ngô Văn Đức, một tài xế chở rau củ quả từ Đồng Tháp đi Tp.HCM phân trần, suốt dọc đường đi phải qua nhiều chốt kiểm dịch, thêm kiểm tra giấy xét nghiệm nên các xe chở hàng càng mất thời gian.
Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) sản xuất ở phía Nam cũng đang “đau đầu” về chuyện vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu trong thời điểm này.
Theo phản ánh từ phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), nhiều DN chế biến thủy sản đang lo ngại về tình trạng ách tắc vận chuyển dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng hoạt động kinh doanh xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh tình hình vận chuyển quốc tế trong nửa đầu năm vô cùng khó khăn, cước vận tải biển đã tăng gấp 5-7 lần, container lại khan hiếm.
Cần tránh tắc nghẽn
Đơn cử như cách đây vài ngày, toàn bộ xe container và xe tải di chuyển từ Tp.HCM đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã gặp ách tắc tại các điểm chốt chặn vào tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Nhà chức trách yêu cầu tài xế phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp Realtime RT-PCR (thời hạn không quá 3 ngày khi có kết quả xét nghiệm), còn các nhà vận chuyển thì không kịp chuẩn bị cho yêu cầu mới này.
Vì yêu cầu đột ngột này ở hai địa phương trên đã làm tắc nghẽn hoạt động vận chuyển hàng hóa, dẫn đến thiệt hại lớn cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu của phía DN.
Có thể nói, một trong những bài toán nan giải cho các DN sản xuất chế biến giữa giai đoạn “nóng” của dịch bệnh là làm sao để họ vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa. Không để diễn ra tình trạng kẹt cảng vì hàng nhập, kẹt kho lạnh vì không nhập được hàng để chờ kết quả ở các điểm chốt.
Phía Vasep cho rằng các địa phương nên thực hiện như văn bản hướng dẫn trên của Bộ Y tế, đó là thực hiện test nhanh Covid-19 tài xế container và xe chở hàng tuyến cố định thay vì test PCR để đảm bảo lưu thông hàng hóa.
UBND Tp.HCM cũng vừa có văn bản hướng dẫn tạo thuận lợi (luồng xanh) cho phương tiện vận chuyển hàng hóa trong thời gian Tp.HCM thực hiện Chỉ thị số 16.
Theo đó, UBND Tp.HCM đề nghị UBND các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tổng hợp, cung cấp danh sách xe vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa thiết yếu, hàng hỏa đến các cảng biển, đầu mối... để thực hiện cấp Giấy nhận diện cho phương tiện, tạo luồng xanh cho các phương tiện vận chuyển được ưu tiên.
Ngoài vấn đề vướng mắc ở khâu vận chuyển hàng hoá, theo phản ánh của nhiều DN ở tỉnh thành phía Nam thì việc thiếu container rỗng trong tháng 7/2021 này vẫn chưa có điểm dừng. Không những vậy, trên thị trường container rỗng hiện nay, DN nào trả cước cao hơn thì hãng tàu sẽ cấp container.
Thậm chí, các DN đã có được booking container (đăng ký container) rồi nhưng do cước phí thuê container tăng hàng ngày nên các hãng tàu sẵn sàng hủy booking của DN đó để chuyển cho DN khác, nếu trả cước cao hơn.
Việc thiếu hụt container cho xuất nhập khẩu hàng hóa đã và đang dẫn đến ách tắc cả đầu ra (các lô hàng xuất khẩu) lẫn đầu vào (các lô nguyên liệu nhập khẩu) của DN. Đồng thời, làm gia tăng chi phí thuê container tại tất cả các cảng biển, gây ra nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng của nhiều ngành hàng.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ