Báo cáo của Cục Thú y cho biết, tính tới chiều 14/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 221 xã của 52 huyện thuộc 17 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La, Nghệ An). Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy đã lên đến 23.442 con.
Nguy cơ lây lan rộng
Tính đến ngày 12/3, Cục Thú y đã lấy tổng cộng 2.929 mẫu bệnh phẩm để giám sát, phân tích, kết quả có 1.310 mẫu dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Cục Thú y nhận định: "Bệnh này chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt. Hiện chưa xuất hiện dịch tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn (đàn lớn nhất là 587 con đã buộc phải tiêu hủy tại Tp. Hải Phòng). Nguy cơ dịch sẽ tiếp tục được phát hiện ở nhiều địa phương khác trong thời gian tới là rất cao".
Ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết ba ngày nay, dù tỉnh thực hiện tích cực phòng chống dịch nhưng lượng tiêu hủy đều hơn 60 tấn mỗi ngày.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết ở Thiệu Hóa, tình hình dịch bệnh lan nhanh, có 8 xã đã phát hiện dịch.
Cùng với đó, liên quan tới công tác hỗ trợ, ông Quyền cho rằng điều này vừa tốt vừa chưa tốt, bởi lẽ giá thị trường đang xuống thấp, nếu áp dụng cứng nhắc theo giá thị trường thì người nuôi lỗ.
Ông Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cho biết đến thời điểm này chỉ có 4 xã, 7 hộ ở huyện với 401 con bị tiêu hủy. Ngay từ khi dịch bệnh chưa xảy ra trên địa bàn, tỉnh cũng đã thực hiện các giải pháp phòng chống theo đúng hướng dẫn. Hiện nay, Hà Nam có xấp xỉ 500.000 con lợn, nếu dịch bùng phát trên diện rộng, hậu quả cực kỳ lớn.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Trung Quốc đang kiểm soát chặt, "nội bất xuất ngoại bất nhập"; Mông Cổ cũng làm rất chặt. "Tôi đặt vấn đề là tại sao ở Việt Nam, dịch bệnh chỉ xảy ra ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nếu không giải quyết cặn kẽ an toàn sinh học thì rất khó kiểm soát. Ngoài vôi bột, ở các trang trại lớn, người ta còn phun thuốc sát trùng. Rõ ràng tỉnh nào ra quân đồng bộ, chặt chẽ, dịch sẽ được khống chế tốt", ông Tiến nói.
Bất an với dịch tả lợn châu Phi |
Đồng bộ các giải pháp
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cho đến nay, dịch đã lan rộng trên phạm vi 17 tỉnh, tuy thực hiện khá đồng bộ và chủ động các nhóm giải pháp nhưng điều đáng tiếc là dịch bệnh đã xảy ra. Thời gian tới, dịch có chiều hướng sẽ lan rộng nếu không thực hiện tốt các giải pháp.
Nguyên nhân là do dịch đã lan rộng 17 tỉnh, mẫu bị bệnh rất rộng, thời tiết diễn biến sắp tới rất thuận lợi cho chủng virus này phát triển, chăn nuôi nhỏ lẻ có nguy cơ lan truyền nên rất khó khống chế.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền về dịch bệnh đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, qua đó các hộ phòng ngừa bằng các giải pháp an toàn sinh học như sử dụng vôi bột sát trùng…
Các địa phương cần tập trung thực hiện các đề án dập dịch đã ban hành, phát hiện lợn bệnh thật sớm; quản lý chặt chẽ khâu vận chuyển lợn hơi, không để lan truyền dịch bệnh từ vùng này sang vùng khác.
"Nếu không tổ chức kiểm soát tốt ở các trạm chốt chặn Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, dịch bệnh lan vào các tỉnh phía Nam là rất phức tạp", ông Cường lo lắng.
Đặc biệt, hiện nay, xu hướng dịch bệnh đang lan ra các tỉnh miền núi phía Bắc, nếu không ngăn chặn kịp thời, nguy cơ tồn dư virus dịch tả lợn châu Phi ở các tỉnh miền núi là rất nguy hiểm, sau này khó xử lý triệt để loại virus này.
Về lâu dài, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng giao cho Cục Thú y, Cục Chăn nuôi xây dựng kế hoạch để chuẩn bị các Bộ NN&PTNT, Y tế, KH&CN sẽ mời OIE, FAO… và các tập đoàn chăn nuôi lớn, các chuyên gia khoa học đề ra nhiệm vụ xây dựng đề án sản xuất vắc xin. Đồng thời, cần nghiên cứu chuyên sâu các véc tơ gây bệnh của dịch bệnh này, không chờ để "ăn sẵn".
Thy Lê