Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), giá lợn hơi ở miền Bắc những ngày vừa qua đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin dịch tả lợn châu Phi.
Ngày 8/3, giá lợn hơi miền Bắc dao động trong khoảng 39.000 – 44.000 đồng/kg; giá lợn hơi miền Trung, Tây Nguyên giảm 2.000 đồng xuống 42.000 – 49.000 đồng/kg; giá lợn hơi miền Nam tiếp tục giảm sâu xuống 47.000 – 53.000 đồng/kg.
Xu hướng giảm giá
Trong tháng 2, giá lợn hơi trong nước cũng diễn biến trái chiều tại các khu vực. Tại miền Bắc, do xuất hiện dịch ASF, giá lợn hơi giảm tại một số địa phương, cụ thể tại Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc giảm 1.000 đồng xuống 47.000 – 48.000 đồng/kg; Tuyên Quang giảm 2.000 đồng xuống 46.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá lợn hơi tại khu vực miền Nam tăng 2.000 đồng/kg do nhu cầu tăng trong khi nguồn cung giảm nhẹ, dao động trong khoảng 50.000 – 57.000 đồng/ kg. Giá lợn hơi tại miền Trung tương đối ổn định, dao động trong khoảng 44.000 –52.000 đồng/kg.
“Do dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, cùng với lượng thịt nhập khẩu gia tăng khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, giá lợn hơi trong nước năm 2019 dự báo sẽ diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, xuất khẩu sản phẩm thịt lợn dự báo sẽ gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi. Hiện, Philippines đã đưa Việt Nam vào danh sách không thể xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm từ lợn sang quốc gia này vì dịch tả lợn châu Phi”, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo.
Ông Đỗ Cao Bằng, Tổng Giám đốc CTCP GreenFeed Việt Nam, cho biết những ngày qua, giá thịt lợn có xu hướng giảm do người dân hoang mang khi tiêu thụ sản phẩm thịt lợn. Dù công ty chưa có con số thống kê về mức độ giảm của lượng hàng giao dịch nhưng chắc chắn cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Bên cạnh đó, đại diện Tập đoàn Masan cho biết thách thức lớn nhất của ngành chăn nuôi chính là đầu ra, việc đưa sản phẩm thịt mát ra thị trường là bước tiến của công ty. Tuy nhiên, nghe thì tưởng đơn giản nhưng doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn và thách thức.
Masan kiến nghị Bộ NN&PTNT tiến hành nhiều hoạt động tuyên truyền ý thức người chăn nuôi về đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là trong giai đoạn có dịch tả lợn châu Phi hoặc lở mồm long móng như hiện nay.
“Tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành kiểm soát các lò giết mổ trái phép không đạt chuẩn. Đồng thời, tăng cường truyền thông về tiêu chuẩn thịt mát, khuyến khích sử dụng sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng”, Masan kiến nghị.
Người tiêu dùng không nên quay lưng với lợn sạch |
Không quay lưng với lợn sạch
Những ngày vừa qua, những thông tin sai sự thật về việc dịch tả lợn châu Phi đã khiến nhiều người tiêu dùng nghĩ sai lệch về thịt lợn. Mới đây, Bộ NN&PTNT đã chính thức có văn bản số 1669/BNN-VP do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký đề nghị Bộ TT&TT xử lý thông tin đăng tải không chính xác về dịch tả lợn châu Phi.
Theo văn bản này, để công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi đạt hiệu quả, đúng yêu cầu, vừa bảo vệ sản xuất, vừa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ TT&TT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những thông tin đăng tải sai sự thật để tránh gây hoang mang trong xã hội.
Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, khi dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu lan rộng, đã có nhiều fanpage, trang facebook cá nhân như: Đầm Bầu Thời Trang Mami; Trang Thao Mandy… đã đưa thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi tẩy chay thịt lợn vì có thể lây sang người.
Thậm chí, trang facebook Trang Thao Mandy còn đưa hình ảnh có hai bệnh nhân bị xuất huyết dưới da và kêu gọi mọi người tẩy chay thịt lợn vì đã có người tử vong vì dịch tả lợn châu Phi.
Tuy nhiên, qua xác minh, kiểm tra những hình ảnh trên fanpage Đầm Bầu Thời Trang Mami là “lấy lại từ nhiều báo điện tử, cụ thể đây là hình ảnh về bệnh sán dây ở lợn xảy ra tại tỉnh Bình Phước vào tháng 11/2018”.
Theo Bộ NN&PNTT, các nhà khoa học đã chứng minh dịch tả lợn châu Phi không lây sang động vật nuôi khác. Do đó, người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn mà lựa chọn những sản phẩm có đủ truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Tại Hội nghị triển khai các giải pháp khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ TT&TT đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này, để không gây hoang mang và quay lưng với thịt lợn sạch, không để do vấn đề này mà ngành chăn nuôi ở Việt Nam bị ứ đọng, đình trệ.
Thy Lê