Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ tối 2/3 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết sẽ đề xuất tăng lãi suất 0,25% trong phiên họp chính sách tháng 3 tới. Thậm chí, tổ chức này còn khẳng định đã sẵn sàng sử dụng tăng lãi suất với mức độ mạnh hơn, tần suất thường xuyên hơn nếu lạm phát không giảm. Các chuyên gia nhận định, nếu điều này xảy ra, kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhất định.
Bất lợi cho hàng hoá xuất khẩu
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, FED tăng lãi suất sẽ giúp Mỹ kiểm soát tốt hơn lạm phát, từ đó sẽ tác động tích cực đến kinh tế Mỹ cũng như thị trường tài chính toàn cầu. Với Việt Nam, mức độ tác động từ quyết định của FED tăng lãi suất tới thị trường không quá lớn, mức độ lạm phát cũng đang trong tầm kiểm soát.
Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì ổn định các yếu tố như tỷ giá, lãi suất và lạm phát sẽ là ưu tiên của các nhà điều hành để đối phó với rủi ro từ bên ngoài. |
Đánh giá tác động tới Việt Nam, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, một đồng tiền lãi suất tăng lên thì đồng tiền đó lên giá. Nói một cách khác, khi FED tăng lãi suất, đồng USD lên giá so với các đồng tiền khác.
Trong khi đó, VND "cố tình" neo theo đồng USD, vì vậy USD tăng giá thì VND cũng tăng theo. Một lý do khác nữa, nếu VND không tăng theo USD, Mỹ cho rằng Việt Nam phá giá, thao túng tiền tệ. VND không tăng giá so với USD nhưng tăng so với nhiều đồng tiền khác như NDT (Trung Quốc), Baht (Thái Lan), Won (Hàn Quốc)..., khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này đắt lên tương đối.
Như vậy, tác động đầu tiên là làm VND tăng giá theo so với các đồng tiền khác và gây áp lực cho xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường khác ngoài Mỹ.
Việt Nam đang có khá nhiều yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá và lãi suất: quỹ dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục, vốn FDI chủ yếu đến từ nhà đầu tư châu Á và vẫn đang tăng trưởng tốt, kiều hối tăng đều đặn, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư…
Đặc biệt, đồng USD tăng giá có lợi cho Trung Quốc, và có lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Tương tự như vậy, VND tăng giá sẽ có lợi cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam và không có lợi cho hàng Việt Nam sang Trung Quốc. Trung Quốc và Mỹ là thị trường thương mại lớn của Việt Nam, vì vậy đây là bất lợi đối với Việt Nam trong trung hạn.
Theo dự đoán của ông Nghĩa, tiến trình tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ của Mỹ được đẩy nhanh và có thể kéo dài trong vài ba năm, điều này có thể ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu.
Hiệu lực của gói hỗ trợ sẽ giảm
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, FED tăng lại suất sẽ tạo áp lực cho lãi suất tại Việt Nam tăng theo.
"Ngân hàng Nhà nước đang muốn giảm lãi suất, thậm chí không cho các ngân hàng thương mại chia cổ tức bằng tiền mặt để dùng nguồn lực này giảm lãi suất. Nhưng áp lực của việc FED tăng lãi suất là áp lực không thể chối bỏ, tức là VND gắn với USD, khi FED tăng nhanh lãi suất USD cũng đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất tại Việt Nam. Chính vì thế, các doanh nghiệp phải chịu chi phí tài chính cho các khoản vay cao hơn", ông Nghĩa nói.
Đồng thời, FED sẽ đề xuất nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3 hoặc gia tăng tần suất tăng lãi suất trong năm 2022 cũng sẽ làm giảm hiệu lực của gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng trong chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.
"Ví dụ trước đây, lãi suất cho vay ở mức khoảng 7%, hỗ trợ lãi suất 2%, khách hàng chỉ còn phải trả lãi suất 5%. Khi Mỹ đẩy nhanh tốc độ và liều lượng tăng lãi suất trong năm 2022, lãi suất cho vay chịu áp lực nên tăng lên 8-9%, hỗ trợ 2% lãi suất thì giảm còn 6-7%. Như vậy, FED tăng lãi suất nhanh thì hiệu lực của gói hỗ trợ sẽ giảm rất nhiều,", ông Nghĩa dẫn chứng.
Trong khi đó, nhóm chuyên gia nghiên cứu phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC) nêu: “Chúng tôi cho rằng chênh lệch dương giữa lạm phát Mỹ và lạm phát của Việt Nam đang là một điểm thuận lợi đối với việc điều hành chính sách tiền tệ trong nước”.
Theo các chuyên gia này, đối với nhà điều hành chính sách tại Việt Nam, việc theo dõi sát biến động và bản chất của những thay đổi của tình hình lãi suất, tỷ giá trong nước là điều cần thiết. Chẳng hạn, thời gian gần đây, lãi suất trong nước cụ thể là lãi suất liên ngân hàng, lãi suất huy động đang hình thành mặt bằng mới.
“Chúng tôi cho rằng điều này ít có sự liên thông với tác động đến từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ của FED mà chủ yếu là do nhu cầu vốn đầu tư phục vụ cho sản xuất, kinh doanh tăng mạnh sau khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại nền kinh tế. Cho dù vậy, điều này sẽ cản trở mục tiêu giảm lãi suất hỗ trợ sự phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch”, nhóm chuyên gia của VDSC phân tích.
Để đối phó với các rủi ro này, các chuyên gia VDSC cho rằng, Việt Nam đang lệch pha về chính sách và tăng trưởng so với các quốc gia phát triển, chúng ta cũng khác với Trung Quốc vì ít có dư địa để kích thích tăng trưởng; việc cố gắng duy trì ổn định các yếu tố như tỷ giá, lãi suất và lạm phát sẽ là ưu tiên của các nhà điều hành để đối phó với rủi ro từ bên ngoài.
Huyền Anh