Ngày 15/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở biên độ gần bằng 0 nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, FED sẽ bắt đầu giảm 25% quy mô mua tài sản ngay từ tháng 1/2022 (mỗi tháng giảm 30 tỷ USD). Đồng thời, khả năng tăng 3 đợt lãi suất từ giữa năm 2022 và khoảng thêm 3 lần vào năm 2023 đưa mức lãi suất dự kiến vào cuối năm 2023 là 1,6%.
Chính sách tiền tệ thế giới dần thận trọng
Quyết định của FED về việc điều chỉnh tốc độ cắt giảm chương trình mua tài sản cũng như có kế hoạch đẩy sớm hơn quá trình tăng lãi suất, theo đánh giá của giới chuyên gia là "khá phù hợp trong bối cảnh phục hồi tích cực của nền kinh tế trong khi số liệu lạm phát Mỹ vẫn đang ở mức cao".
Sự thu hẹp nhanh hơn đồng nghĩa với việc chương trình mua trái phiếu của FED sẽ kết thúc vào đầu năm 2022, thay vì giữa năm như kế hoạch ban đầu.
Các chuyên gia nhận định FED tăng lãi suất hay giảm lãi suất thì hầu như rất ít tác động đến Việt Nam. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Thực tế, hiện nay, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu rút lại các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế trước mối lo lạm phát kéo dài. Một số ngân hàng trung ương như Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga… đã tăng lãi suất.
Thống kê mới đây của NHNN cũng chỉ ra rằng, tính đến nay đã có 93 lượt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương toàn cầu, trong đó từ tháng 9 đến nay là 50 lượt, chỉ có 11 lượt hạ từ đầu năm đến nay. Tức là việc điều hành chính sách tiền tệ chung của thế giới đang thận trọng dần.
Trong khi đó, tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
Vậy, với tác động của việc thắt chặt tiền tệ từ đầu năm 2022 của FED, xu hướng lãi suất của Việt Nam trong năm tới sẽ ra sao?
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết: "Lạm phát đang trở thành vấn đề toàn cầu, các ngân hàng Trung ương (NHTW) đã bắt đầu thu lại hỗ trợ. Từ phía NHNN, chúng tôi đang theo dõi rất sát, nếu nguy cơ lạm phát hiện hữu thì có thể phải kiểm soát tiền tệ, ảnh hưởng đến thanh khoản và mặt bằng lãi suất".
Tuy nhiên, ông Hà khẳng định thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai chuyển đổi số, cùng hệ thống ngân hàng đồng hành với nền kinh tế, tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát.
Lãi suất chưa có lý do để tăng
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Nguồn vốn và Ngoại hối, VIB nêu quan điểm, ông chưa nhìn thấy lý do gì để lãi suất bật lên, tăng mạnh trong thời gian tới. Vì vậy đại diện VIB đánh giá, chính sách tiền tệ sẽ được NHNN tiếp tục nới lỏng và duy trì lãi suất thấp như hiện.
Ông Trung phân tích, quá trình điều hành chính sách tiền tệ, NHNN sẽ quan tâm tới 3 vấn đề, đó là: lạm phát, cán cân thương mại và giá trị tiền đồng. Cụ thể, hiện lạm phát bình quân 1,84% đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây. Mục tiêu kiểm soát lạm phát 4%, vậy dư địa kiểm soát còn rất lớn.
Thứ hai, cán cân thương mại liên tục thặng dư từ 2016 đến nay. Mặc dù trong vài tháng đầu năm 2021 có thể bị nhập siêu, nhưng tháng 11 xuất siêu tăng trở lại, nên dự báo cả năm 2021 Việt Nam sẽ đạt mục tiêu xuất siêu. “Điều này giúp củng cố giá ngoại tệ, hiện dự trữ ngoại hối đạt hơn 110 USD, so với các nước trong khu vực là lớn. Những yếu tố này làm ổn định vĩ mô và giá trị tiền đồng”, ông Trung nhận định.
Thứ ba, giá trị tiền đồng tăng, tính đến 30/11, VND tăng gần 1% so với USD và tăng khoảng 4,4% so với 12 đồng tiền trong rổ tiền tệ, giúp Việt Nam giảm bớt nhập khẩu lạm phát. Khi giá trị tiền đồng tăng thì lãi suất sẽ có xu hướng đi ngang và đi xuống. Vì vậy, người giữ tiền đồng đang có lãi so với giữ USD.
Đại diện VIB đánh giá, với những người không thích mạo hiểm, sợ rủi ro thì sẽ gửi tiết kiệm vẫn có lợi, với mức lãi suất thực Việt Nam vẫn cao so với các nước trong khu vực. “Lãi suất trong năm 2022 vẫn tiếp tục đi ngang so với hiện nay, khó tăng, còn lãi suất tiết kiệm vẫn thấp”, ông Trung nhận định.
Đồng tình, TS. Vũ Sỹ Cường - Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính nhận định, mặt bằng lãi suất thế giới tăng không có nhiều tác động tới hệ thống tài chính Việt Nam nói chung. "NHNN có xu hướng điều chỉnh lãi suất phụ thuộc vào tín hiệu lạm phát trong nước, ít ảnh hưởng bởi động thái của FED. Do đó, FED tăng lãi suất hay giảm lãi suất thì hầu như rất ít tác động đến Việt Nam", TS. Vũ Sỹ Cường cho hay.
Về chính sách tỷ giá, trong bài đánh giá nhanh về động thái mới nhất của FED khi tuyên bố thắt chặt tiền tệ từ đầu năm 2022 và những tác động đến nền kinh tế, tài chính thế giới cũng như Việt Nam, vừa được TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV công bố, chuyên gia này đánh giá, tỷ giá USD/VND có thể tăng nhẹ, nhưng không nhiều do kinh tế Việt Nam đang phục hồi (tăng trưởng khoảng 2% năm 2021 và sẽ phục hồi lên mức 6,5-7% nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện thành công Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội); lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (CPI tăng khoảng 2% năm 2021), nhưng sẽ gia tăng lên mức 3,4-3,7% năm 2022; cung - cầu ngoại tệ cơ bản ổn và cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư. |
Thanh Hoa