Fed đang đứng trước sức ép gia tăng trong việc phải phản ứng mạnh hơn nhằm kiểm soát lạm phát sau khi số liệu công bố ngày 10/2 cho thấy giá tiêu dùng bất ngờ tăng mạnh.
Việc giá tiêu dùng tăng mạnh nhất kể từ đầu những năm 1980 khiến các nhà giao dịch nhận định Fed sẽ bắt đầu đợt tăng lãi suất với mức tăng tới 50 điểm cơ bản. Chủ tịch chi nhánh Fed tại St. Louis, James Bullard, đã thay đổi quan điểm khi đưa ra nhận định, lãi suất sẽ tăng 100 điểm cơ bản trong bốn tháng tới cho thấy cuộc tranh luận nội bộ của Fed về tốc độ tăng lãi suất sẽ nóng lên trước khi diễn ra cuộc họp sắp tới vào ngày 15-16/3.
Trước thông tin này, nhiều người đặt câu hỏi về tác động của nó tới nền tỷ giá Việt Nam sẽ như thế nào trong thời gian tới?
Các chuyên gia dự báo đồng USD tăng giá sẽ gây áp lực lên VND, tuy nhiên, VND giảm giá không quá 2% so với USD cho cả năm 2022. |
Theo phân tích của giới chuyên gia, năm 2022, lạm phát ở nước ta sẽ tăng lên, song chưa đến mức đáng lo. Ngay cả khi Fed tăng lãi suất, lạm phát trong nước cũng sẽ ở mức dưới 3%, do đó, lãi suất và tỷ giá sẽ tương đối ổn định. Dù vậy, về dài hạn, tỷ giá sẽ là yếu tố cần phải dè chừng.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, Fed nâng lãi suất sẽ khiến USD tăng giá trong ít nhất nửa đầu năm tới, điều này khiến đồng nội tệ của các nước (nhất là thị trường mới nổi) mất giá tương ứng, cộng với lạm phát nội tại đang ở mức cao, khiến nhiều ngân hàng trung ương (NHTW) các nước cũng sẽ tăng lãi suất. Một số NHTW như Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga… đã hành động theo hướng này.
"Tại Việt Nam, tỷ giá sẽ tăng theo. Dù vậy, áp lực với tỷ giá năm nay sẽ không lớn, do kinh tế Việt Nam đang phục hồi (tăng trưởng khoảng 2% năm 2021 và sẽ phục hồi lên mức 6,5% - 7% nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện thành công Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội), lạm phát thấp, cung - cầu ngoại tệ ổn định, cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư", ông Lực cho hay.
Các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhìn nhận, chính sách tiền tệ nới lỏng phi truyền thống đã được áp dụng khó có thể đảo ngược khi việc thu hẹp bảng cân đối kế toán của các NHTW gặp nhiều khó khăn.
Do đó, quá trình trung hoà các chính sách này sẽ không thể diễn ra nhanh chóng. Thậm chí, trong trường hợp các THTW tiến hành các biện pháp trung hòa dần chính sách tiền tệ nới lỏng. Đây là tín hiệu tích cực, hạn chế khả năng nền kinh tế thế giới hạ cánh cứng và rơi vào khủng hoảng toàn cầu. Đồng thời, tác động tiêu cực lên Việt Nam không trực tiếp và không rõ nét.
"Nhìn chung các yếu tố này vẫn ủng hộ cho kịch bản nền kinh tế phục hồi với tốc độ kém hơn so với dự báo, và có sự phân hoá trong chính sách giữa các nền kinh tế lớn. Điều này đòi hỏi những sự thận trọng với các thay đổi chính sách từ NHTW", Báo cáo đề cập.
Chi tiết với tỷ giá, các chuyên gia VCBS vẫn duy trì quan điểm xu hướng trung hòa dần chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp tục là xu hướng trong năm 2022. Trong đó, Fed là NHTW đi đầu trong quá trình này, dẫn đến khả năng USD lên giá nhiều hơn so với các ngoại tệ khác, từ đó gây áp lực lên VND. Tổ chức này dự báo, VND giảm giá tương đối so với USD, với mức biến động không quá 2% cho cả năm 2022.
Trong tháng 1, tỷ giá trung tâm kết thúc tháng giảm 45 đồng, tỷ giá giao dịch tại các NHTM đã hạ nhiệt giảm khoảng 100-300 đồng so với thời điểm cuối tháng 12. Điểm sáng với giai đoạn này là việc nguồn cung ngoại tệ thông qua nguồn xuất nhập khẩu hay kiều hối được duy trì tốt.
Các chuyên gia tại Chứng khoán BSC cho rằng, việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ trong năm 2022 có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị của VND. Tuy nhiên, có 3 yếu tố có thể giúp tỷ giá ổn định: Dự trữ ngoại hối duy trì ở mức cao 108 tỷ USD, kiều hối dự tính duy trì ở mức 17-18 tỷ USD, cán cân thương mại dự kiến sẽ xuất siêu khoảng 5,2-6,9 tỷ USD.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, USD đang tăng giá, khiến đồng nội tệ nhiều quốc gia mất giá. Tuy nhiên, tình hình này sẽ sớm đảo chiều.
“Hiện nay, lạm phát cầu kéo (lạm phát do bơm tiền) chưa tác động vào giá trị USD, do vòng quay của đồng tiền thấp. Tuy nhiên, chắc chắn tác động này sẽ xảy ra, khiến USD mất giá trong tương lai. Khi đó, các quốc gia sẽ phải phá giá đồng tiền để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa. Điều này sẽ tác động đến tỷ giá nước ta. Dù vậy, do tăng trưởng tín dụng vẫn được kiểm soát, các gói hỗ trợ bơm tiền dự báo không nhiều, nên tôi cho rằng, áp lực lạm phát thời gian tới là không lớn. Trong hoàn cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ ổn định tương đối tỷ giá và lãi suất, bất chấp thị trường thế giới biến động ra sao”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Huyền Anh