Tại họp báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sáng 27/9 cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, trả lời câu hỏi báo chí về vấn đề tỷ giá tăng gần đây, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB đánh giá Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang điều hành linh hoạt, nới rộng biên độ, các biến động tỷ giá nằm trong biên độ đặt ra từ trước. Vì thế, NHNN chưa gặp khó khăn về chính sách với tỷ giá.
Về khía cạnh thị trường, bối cảnh hiện nay, giảm lãi suất chỉ là một yếu tố tác động đến cung cầu ngoại tệ. Người dân muốn giữ tiền USD thay vì VND vì lãi suất thấp, khiến cầu ngoại tệ tăng lên. Tuy nhiên, xuất khẩu chưa cải thiện nhiều nên chưa gây ra biến động về cầu quá lớn. Ông Hùng nhận định biến động gần đây của tỷ giá liên quan đến thông tin mới khi NHNN phát hành tín phiếu để giảm thanh khoản và tỷ giá cần một thời gian ngắn nữa để ổn định trở lại.
Chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng hiện đang ở mức 4-5 điểm % đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng. |
Ghi nhận của VnBusiness, trong 4 phiên giao dịch gần đây, NHNN đã hút ròng tổng cộng gần 50.000 tỷ ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất.
Có thế thấy, sau 3 phiến đầu nhà điều hành chỉ phát hành với khối lượng 10.000 tỷ đồng/phiên, thì sang phiên ngày 26/9 đã nâng lên gấp đôi với 20.000 tỷ đồng và lãi suất trúng thầu cũng có chiều hướng tăng. Điều này cho thấy tín hiệu về sự quyết liệt hơn của NHNN trong hoạt động hút bớt thanh khoản hệ thống.
Các chuyên gia cho rằng mục đích của NHNN là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn và lượng hút cũng không quá nhiều (nếu so sánh với giai đoạn nửa cuối năm 2022) nhằm không gây ra căng thẳng thanh khoản trên thị trường 2 và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất trên thị trường 1.
“Động thái hút VND của NHNN sẽ thúc đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ đồng thời giảm áp lực tỷ giá trong thời gian tới”, chứng khoán MBS nhận định.
Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, lãi suất bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 85 - 90% giá trị giao dịch) đã tăng nhẹ trong phiến giao dịch ngày 25/9. Cụ thể, kỳ hạn qua đêm tăng lên 0,17% từ mức 0,14% ghi nhận vào phiên 21/9. Lãi suất các kỳ hạn chủ chốt khác cũng có xu hướng tăng như: kỳ hạn 1 tuần tăng từ 0,33% lên 0,37%; kỳ hạn 2 tuần tăng từ 0,9% lên 0,58%...
Trong báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tiền đồng tiếp tục mất giá mạnh so với đồng USD trong tháng 9. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng ngày 22/9 là 22.334 đồng/USD, cao hơn 1,03% so với cuối tháng 8. So với đầu năm, tiền đồng đã mất giá khoảng 2,6-3,7%, tuỳ vào tỷ giá tham chiếu, tỷ giá trên thị trường chính thức tăng mạnh hơn tỷ giá trên thị trường tự do.
VDSC cho rằng, việc tiền đồng mất giá mạnh trong tháng 9 cũng tương quan với việc đồng USD tăng trở lại. Hiện, chỉ số đồng USD đã chạm ngưỡng 106.160 điểm (tại ngày 27/09), mức cao nhất kể từ đầu năm.
Đồng USD tăng khiến mức chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng hiện đang ở mức 4-5 điểm % đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng.
"Vì vậy, hành động phát hành tín phiếu của NHNN ngay sau khi có kết quả cuộc họp của Fed cũng là một động thái để giảm bớt ảnh hưởng của hoạt động này đối với áp lực tỷ giá", VDSC đánh giá.
Trong thời gian tới, nhóm phân tích cho rằng NHNN có thể tiếp tục hoạt động phát hành tín phiếu nhưng điều này không đồng nghĩa với việc đảo chiều trong chính sách tiền tệ, bởi hoạt động điều tiết cung tiền mang tính thời điểm và linh hoạt. Đồng thời, hiệu quả của can thiệp lên áp lực tỷ giá cũng còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt quan trọng nhất là xu hướng của chỉ số đồng USD
Hiện tại, VDSC vẫn giữ quan điểm tỷ giá đang kiểm định lại vùng 24.500 đồng/USD và có thể giảm trở lại vào cuối năm 2023. Rủi ro đối với dự báo là khả năng chỉ số đồng USD tăng mạnh về mức 110, khi đó NHNN có thể phải can thiệp thông qua bán ngoại tệ và kiềm giữ tỷ giá ở mức này cho đến cuối năm.
Thanh Hoa