Biến động về tỷ giá trong những ngày gần đây được chuyên gia kinh tế nhận định: Chủ trương tăng giá đồng ngoại tệ ở thời điểm này của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và hệ thống các tổ chức tín dụng là phù hợp, để theo kịp xu hướng tăng giá của thị trường tiền tệ thế giới và tất nhiên sẽ ít nhiều có tác động đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ở thời điểm gần như tất cả doanh nghiệp đang chạy nước rút về đích để hoàn thành kế hoạch năm 2023.
Biến động tỷ giá tác động tới doanh nghiệp nào?
Tính từ đầu năm đến phiên giao dịch ngày 22/9, tỷ giá trung tâm đã tăng tới 2% (tương ứng tăng 472 đồng). Thực tế, tỷ giá VND/USD đã tăng khá mạnh, hầu hết các ngân hàng mua vào, bán ra quanh mức 24.200 đồng đến 24.500 đồng/USD. Tỷ giá "nhảy múa" khiến chuyên gia và doanh nghiệp đều lo ngại.
Ông Lê Tiến Trường, đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho hay, sự suy giảm về kim ngạch xuất khẩu và thị phần dệt may của Việt Nam trong thời gian gần đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như sự ảm đạm của thị trưởng chung toàn cầu, xu hướng chuyển dịch đơn hàng (đặc biệt là những đơn hàng nhỏ) sang các nước có lợi thế về mặt địa lý. Nhưng trước hết phải nói đến yếu tố tỷ giá ngoại tệ tăng cao đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và ngành dệt may nói riêng.
Từ đầu năm tới nay, tỷ giá trung tâm đã tăng tới 2%, tương ứng tăng 472 đồng. |
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty May 10 bộc bạch, doanh nghiệp đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng từng tuần, từng ngày. Song, mặt khác cũng phải “chống chọi” với biến động tỷ giá.
Trong bối cảnh kinh tế bình thường, tỷ giá USD/VND tăng có tác động trực tiếp làm tăng giá trị hàng xuất khẩu, nhất là ở các thị trường lớn và ngành hàng quan trọng như điện thoại, dệt may, da giày… nhưng mặt trái của nó lại đẩy tăng chi phí vốn thêm để nhập khẩu máy móc, thiết bị nhiều hơn. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Xét trên lợi thế cạnh tranh tương đối, Việt Nam đang có nhiều hạn chế hơn so với các quốc gia xuất khẩu khác nhờ VND giảm giá so với đồng USD ít hơn so với nhiều đồng tiền của các quốc gia khác. Hiện, nhiều các quốc gia xuất khẩu dệt may duy trì đồng nội tệ rẻ để kích thích xuất khẩu. Đơn cử như: đồng Lira Thổ Nhĩ Kỳ mất giá 31%, đồng Rupee Pakistan mất giá 21,2%, đồng Bảng Ai Cập mất giá 19,9%, đồng Taka Bangladesh mất giá 5,9%. Tuy nhiên, hiện nay, nguyên liệu để phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp dệt may chủ yếu nhập khẩu. Do đó, biến động tỷ giá trong bối cảnh kinh tế khó khăn chưa hẳn giúp doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi.
Trong ngành hàng hoa quả nhập khẩu, bà Trần Thị Huyền Trang - Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Green (Hà Nội) cho biết, mặc dù giá ngoại tệ tăng cao nhưng vì sản phẩm đặc thù là trái cây mùa vụ nên doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu đều mới có hàng để bán. Dịp cuối năm diễn ra nhiều sự kiện nên nhu cầu lớn, thị trường hoạt động vẫn rất sôi nổi. Đang sắp tới vụ táo Mỹ, doanh nghiệp chắc chắn cần phải nhập hàng số lượng rất lớn vì mong muốn bán phủ khắp thị trường.
“Do đó, biến động của tỷ giá đồng ngoại tệ chắc chắn sẽ khiến lợi nhuận bị giảm sút. Hiện tại, giá cước tải đã ổn định hơn nên doanh nghiệp cũng vợi bớt nỗi lo lắng”, bà Trang chia sẻ.
Là công ty niêm yết, doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Công ty CP cơ khí Đông Anh chia sẻ: Hiện nay, cầu thị trường giảm, doanh thu giảm, hàng tồn kho khiến doanh nghiệp đọng vốn. Các doanh nghiệp khác khó khăn, công ty cũng gặp khó theo do phát sinh nợ khó đòi.
Trong bối cảnh đó, ông Hùng kiến nghị, lãi suất cho vay dao động 5,2-5,6%/năm là thuận lợi. Tuy nhiên, vị giám đốc này băn khoăn: “Mỗi lần lãi suất giảm, tỷ giá lại tăng vọt. Với doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu, mong các cơ quan chức năng có các biện pháp ổn định tỷ giá”.
Tin tưởng vào khả năng ổn định tỷ giá của cơ quan điều hành
Trái với nỗi lo về biến động tỷ giá của các doanh nghiệp, ở góc độ chuyên gia, Ts. Trương Văn Phước, Thành viên Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia phân tích, tỷ giá hối đoái và các yếu tố tác động tới tỷ giá đều đang theo hướng có lợi cho đồng tiền Việt Nam.
So sánh tương quan giữa lạm phát tại Việt Nam và nhiều nền kinh tế lớn thì lạm phát của Việt Nam không hề cao, mặt bằng lãi suất của nền kinh tế Việt Nam cũng vẫn đang ở mức cao hơn. Cả hai yếu tố này là cơ sở cơ bản cho mục tiêu ổn định tỷ giá trong năm 2023. Ngoài hai yếu tố trên, tỷ giá USD/VND còn được hỗ trợ vững chắc của cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam tính đến 15/9 đạt hơn 464 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 242 tỷ USD, nhập khẩu là 222 tỷ USD. Nền kinh tế xuất siêu hơn 20 tỷ trong gần 9 tháng đầu năm 2023.
Bên cạnh thặng dư xuất khẩu hàng hóa, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang phục hồi và lượng lớn kiều hối chuyển về hàng năm là các yếu tố tích cực giúp tỷ giá chỉ biến động trong phạm vi không quá lớn.
Hơn nữa, lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn đã hạ nhiệt đáng kể so với giai đoạn cao điểm hồi năm 2022, nên nhiều khả năng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước này sẽ không thắt chặt mạnh như trước mà thậm chí phải tính tới khả năng điều chỉnh để phòng ngừa nguy cơ suy thoái kinh tế.
Theo ông Phước, năng lực dự báo các yếu tố bên trong và bên ngoài, cách thức chuẩn bị và thực thi các phương án ứng phó với các biến động từ bên ngoài của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp đồng nội tệ không bị giảm giá quá nhiều và điều đó về lâu dài sẽ có lợi cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại Hà Nội tổ chức ngày 21/9, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành tỷ giá và lãi suất là bài toán tổng thể, rất khó và phải đánh đổi lẫn nhau. Muốn giảm nhiều lãi suất thì tỷ giá tăng lên. Với Ngân hàng Nhà nước, khi điều hành chính sách tỷ giá đứng trên cục diện của toàn quốc gia, có doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu, được lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nhưng sẽ vất vả cho doanh nghiệp nhập khẩu vì sẽ phải chịu chi phí. Đây là bài toán rất khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi từng ngày, từng giờ.
“Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ làm sao để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng”, Thống đốc nhấn mạnh.
Huyền Anh