Ngày 18/4, phát biểu tại Hội thảo về quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia và giải pháp cho Việt Nam, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: "Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam".
1.000 "ông lớn" FDI bị truy thuế 20.000 tỷ đồng
Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm 20 nước thu hút FDI hàng đầu thế giới, trong khi đầu tư nước ngoài trên toàn cầu có xu hướng giảm. Đến năm 2021, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì sự ổn định và vượt mốc 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong năm 2022, Việt Nam cũng đã thu hút gần 30 tỷ USD, dù giảm so với năm 2021 nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch.
Ít nhất trên 100 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu áp dụng từ năm 2024. |
Tuy nhiên, theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế, nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn FDI toàn cầu, do đó Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút FDI thông qua ưu đãi thuế.
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính, hơn 1.000 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam có công ty mẹ là đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó có khoảng ít nhất trên 100 doanh nghiệp lớn có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu áp dụng từ năm 2024 (sau khi đã loại trừ các trường hợp không phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu).
"Nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng 12.000 - 20.000 tỷ đồng (theo số liệu quyết toán thuế năm 2022)", ông Minh thông tin.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam cho biết, bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, nếu không ứng phó triệt để với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ dẫn tới sự gia tăng khó khăn cho rất nhiều doanh nghiệp FDI. Vì vậy, đại diện Samsung kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần có các phương án hỗ trợ duy trì năng lực đầu tư của doanh nghiệp FDI và chính sách ưu đãi có liên quan.
Giải pháp nào để giữ chân “đại bàng”?
Bộ Tài chính cho biết, một số nước đã có các giải pháp đảm bảo tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ xây dựng một "gói" pháp lý chính sách để thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó bao gồm các chính sách mới về: Ưu đãi thuế nội địa, mức thuế tối thiểu trong nước và quy định hỗ trợ khác như hỗ trợ chi phí phát triển cơ sở hạ tầng, trợ giá điện.
Hay như Ấn Độ có chính sách hỗ trợ chi phí sản xuất công nghệ cao bằng một khoản tiền đối với mỗi chiếc điện thoại trị giá khoảng 130 USD.
Vì vậy, để tăng tính cạnh tranh và giữ chân "đại bàng", ông Minh cho rằng, Việt Nam cần có giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.
Trong đó, "các giải pháp hỗ trợ cần được nghiên cứu ban hành, có thể bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường... Để thực hiện được chương trình hỗ trợ nhà nước cũng cần bố trí các nguồn lực tài chính, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực để duy trì sức hấp dẫn và ổn định môi trường đầu tư", ông Minh đề xuất
Trong khi đó, ông Choi Joo Ho kiến nghị: Việt Nam cần xây dựng hình thức hỗ trợ nhằm bù đắp cho doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Phương án triển khai hình thức hỗ trợ này sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp để có tiêu chuẩn áp dụng kèm theo”.
Ông Robert King, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam kiến nghị, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư để tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Chính sách ưu đãi như: Hỗ trợ trực tiếp vào chi phí đầu tư, chi phí nghiên cứu và phát triển. Hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường, hoạt động giảm phát thải...
Trong thời điểm kinh tế suy thoái có thể xem xét việc hỗ trợ các chi phí liên quan đến phúc lợi cho nhân viên như: Chi phí xây dựng ký túc xá cho công nhân, nhà trẻ, trạm y tế phục vụ cho công nhân tại khu công nghiệp. Hỗ trợ khoản chi phí để giảm giá thành sản xuất như hỗ trợ tiền điện, tiền xe đưa đón công nhân.
Thanh Hoa