![]() |
Khách hàng xem xe tại một showroom ô tô ở Hà Nội. |
Theo đó có 46 mẫu ôtô nhập khẩu và 28 mẫu xe ôtô sản xuất lắp ráp trong nước (9 chỗ ngồi trở xuống) được điều chỉnh giá tính phí trước bạ. Trong đó, nhiều mẫu xe của các thương hiệu Hyundai, Mazda và Peugeot sản xuất và lắp ráp trong nước được điều chỉnh theo hướng giảm hơn so với trước.
Cụ thể, hãng Hyundai có 4 mẫu được điều chỉnh, bổ sung giá tính lệ phí trước bạ gồm: Grand i10 1.2 MT giá mới là 350 triệu đồng, SantaFe TM2 2.2 TCI 8AT giá 1,125 tỷ đồng, Tucson TL1-1.6GM 7DCT FL giá 880 triệu đồng và Tucson TL4-2.0R 8AT FL 873,7 triệu đồng. Giá tính lệ phí trước bạ giảm từ 20 đến 66,3 triệu đồng.
Hãng Mazda có 11 mẫu được điều chỉnh giảm giá tính lệ phí trước bạ, trong đó, Mazda3 có mức điều chỉnh giá tính lệ phí trước bạ từ 40 triệu đến 69,4 triệu đồng. Mức điều chỉnh nhiều nhất là Mazda3 15G SD BP giảm từ 738,4 triệu đồng xuống còn 669 triệu đồng (giảm 69,4 triệu đồng). Mức điều chỉnh thấp nhất là Mazda 3 20G AT SD FL còn 730 triệu đồng (giảm 40 triệu đồng).
Ba phiên bản Mazda CX-5 gồm 20G AT 2WD KW; 25G AT 2WD KW và 25G AT AWD KW có giá tính lệ phí trước bạ chỉ từ 824 triệu đồng đến 1,014 tỷ đồng, giảm từ 65 – 135 triệu đồng so với trước đây. Mazda CX-8 25G AT 2WD cũng chỉ còn 1,039 tỷ đồng, giảm 100 triệu đồng so với trước.
Đối với Peugeot, giá tính phí mới của chiếc 3008 là 999 triệu và 1,109 tỷ đồng, giảm từ 40 triệu đến 100 triệu đồng. Mẫu Peugeot 5008 cũng giảm khoảng 100 triệu đồng giá tính phí trước bạ.
Trái ngược với ôtô, một số mẫu xe môtô nhập khẩu được điều chỉnh tăng thuế trước bạ. Điển hình như mẫu xe Triumph Bonneville Bobber Black dung tích động cơ 1.200 cc giá tính lệ phí trước bạ được điều chỉnh từ 560,4 triệu lên 619 triệu đồng, hay mẫu Triumph Bonneville T120 được điều chỉnh từ 422 lên 569 triệu đồng.
Lý giải về việc điều chỉnh mức giá tính lệ phí trước bạ đối với ôtô, Tổng cục Thuế cho biết theo quy định hiện hành, việc tăng giảm giá tính lệ phí trước bạ chỉ khi giá ôtô trên thị trường có biến động khoảng 5%.
Theo ghi nhận thị trường ôtô của Thời báo Kinh Doanh, giá xe sản xuất trong nước có xu hướng giảm, nhất là tháng 4 và 5 do ảnh hưởng Covid-19. Hàng loạt hãng xe đã giảm giá để kích thích tiêu dùng đối với mặt hàng này.
Tuy nhiên, kể từ ngày 28/ Chính phủ chính thức giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước đã giúp cho sức tiêu thụ ô tô nội địa trong tháng 6, 7 và tháng 8 tăng mạnh.
Theo Bộ Công Thương, sản xuất xe có động cơ tháng 7 tăng 3%, trong đó sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đạt xấp xỉ 18.000 chiếc, tăng 3,3% so với tháng 6. Ở khía cạnh tiêu thụ, cơ quan này cho biết, sức mua ôtô tăng trong hơn một tháng trở lại đây, nhất là sau chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ cuối tháng 6.
Dẫn số liệu bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất xe Việt Nam (VAMA), Bộ Công Thương cho biết, tháng 6 đã có 24.002 ôtô các loại được tiêu thụ, tăng 26% so với tháng 5. Xe du lịch là dòng bán chạy nhất, tăng 35%; kế đến là xe chuyên dụng 18% và xe thương mại 5%.
Thanh Hoa