Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, quy định các công ty đa quốc gia có doanh thu trên 750 triệu Euro sẽ bị áp dụng mức thuế tối thiểu 15%. Dự kiến quy tắc này sẽ được thực thi từ năm sau nhằm hạn chế cuộc đua xuống đáy đối với ưu đãi về thuế, nhất là với các nước đang phát triển. Đồng thời, để tận dụng nguồn thu thuế, đặc biệt là giảm hiện tượng trốn thuế, chuyển giá.
Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế sẽ không hoàn toàn là lợi thế để thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Việt Nam cần nghiên cứu, triển khai sớm thuế tối thiểu nội địa để không đánh mất quyền thu thuế bổ sung, đồng thời giữ được sự cạnh tranh của môi trường đầu tư.
Có biện pháp hỗ trợ thay thế khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu
Tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài ngày 22/4, nhiều nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng.
Doanh nghiệp FDI kiến nghị Chính phủ Việt Nam xây dựng chính sách thuế ưu đãi bù đắp lợi ích cho doanh nghiệp khi thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi. |
Ông Nitin Kapoor, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam cho biết, cộng đồng doanh nghiệp VBF (bao gồm cả FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước) cam kết đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hướng tới phát triển kinh tế bền vững.
Kiến nghị về thuế, đại diện VBF cho rằng cần nghiên cứu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời để bảo đảm đầu tư, bù đắp lợi ích cho doanh nghiệp trong trường hợp ưu đãi thuế được giảm hoặc hủy bỏ do tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.
Là một doanh nghiệp đã hiện diện tại Việt Nam hơn 2 thập kỷ qua, ông Dominik Meichle, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam khẳng định: Bosch cam kết ngày càng cao đối với Việt Nam. Hiện nay, Bosch tuyển mộ 6.000 nhân viên tại các xưởng chất lượng cao với 3 trung tâm công nghệ cao. Ngoài ra, Bosch sẽ tính đến việc mở rộng sang lĩnh vực khác, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao, logistics.
"Nền kinh tế toàn cầu đang trải qua thời kỳ khó khăn với hàng loạt những vấn đề và khủng hoảng, cạnh tranh rất cao của các quốc gia. Tuy nhiên, mọi vấn đều tiềm ẩn cơ hội. Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ có cơ hội để nổi lên", ông Dominik Meichle nói.
Để đạt được điều này, đại diện Bosch nêu ra một số đề xuất về phát triển nguồn nhân lực, tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định và có thể dự đoán được.
Bên cạnh đó, Bosch đề xuất Chính phủ đánh giá lại các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và đưa ra các biện pháp hỗ trợ thay thế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình sau khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu. “Điều này sẽ giúp giữ chân doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn và sức cạnh tranh ngày càng cao trên toàn cầu”, ông Dominik Meichle nhận định.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm cập nhật chiến lược chính sách quốc gia về thu hút FDI và sớm có kế hoạch, chính sách phù hợp khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Đây là việc vô cùng quan trọng đối với thu hút đầu tư FDI.
Không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thực phẩm bổ sung dinh dưỡng
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, quyết định của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và giảm thuế giá trị gia tăng sẽ hỗ trợ phục hồi kinh doanh và kích thích nhu cầu của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo đại diện EuroCham: Việt Nam cũng cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng.
Ngoài ra, việc hài hòa hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ EVFTA. “Chính phủ không nên sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) như một công cụ để bù lại việc việc xóa bỏ thuế nhập khẩu” ông Gabor Fluit khuyến nghị.
Đồng thời, Chủ tịch EuroCham đề xuất: Chính phủ có thể xem xét áp dụng hệ thống thuế TTĐB hỗn hợp đối với rượu vang và rượu mạnh và không nên áp dụng thuế TTĐB đối với các sản phẩm thiết yếu như sữa và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Cùng với đó, miễn hoặc giảm thuế TTĐB cho các sản phẩm công nghiệp thân thiện với môi trường, chẳng hạn như xe điện.
Cũng đưa ra những kiến nghị về thuế TTĐB, ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) chia sẻ: Vì lợi ích sức khỏe cộng đồng, Amcham mong muốn Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu các tác động của đề xuất áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường.
“Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, loại thuế này không có tác dụng lắm trong việc giảm thiểu tỷ lệ béo phì, tiểu đường, trong khi đó áp dụng loại thuế này sẽ gây ảnh hưởng đến ngành nước giải khát Việt Nam vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 cũng như sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành khác như mía, bán lẻ, đóng gói và logistics…”, ông Greg Testerman nói.
Theo các doanh nghiệp FDI, những chính sách của Việt Nam cần phải minh bạch, đáng tin cậy, vì hiện nay với những diễn biến khó lường trên toàn cầu, muốn thu hút FDI thì phải có những chính sách như vậy, chính sách đóng vai trò quan trọng nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu theo tiêu chuẩn của OECD, Việt Nam luôn đề cao việc tuân thủ luật pháp và chủ động, tích cực tham gia các cam kết chung của quốc tế, trong đó có các cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD. Chính phủ đã và đang chỉ đạo khẩn trương rà soát, có các giải pháp thu hút đầu tư, đồng thời Việt Nam đang nghiên cứu làm sao có biện pháp ưu đãi tối ưu nhất khi thực hiện chính sách của thuế tối thiểu toàn cầu, vừa đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và kinh tế Việt Nam tốt hơn. |
Thanh Hoa