Trao đổi về phương án tính thuế tài sản nhà và đất, Bộ Tài chính cho rằng xác định ngưỡng không chịu thuế đối với nhà có hai cách là xác định ngưỡng không chịu thuế theo giá trị hoặc xác định ngưỡng không chịu thuế theo diện tích.
Hai phương án đối với nhà và đất
Trong đó, việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo diện tích có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp, ổn định, không thay đổi theo thời giá.
Tuy nhiên, cách này lại có nhược điểm là điều tiết đối với người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà tại nông thôn có diện tích vượt ngưỡng không chịu thuế nhưng giá trị thấp; trong khi đó lại không điều tiết đối với nhà giá trị lớn nhưng diện tích nằm trong ngưỡng không chịu thuế.
Bộ Tài chính cho rằng hiện nay, theo quy định của pháp luật về xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở bình quân khoảng 730.000 đồng/m2. Khi đó, giá trị xây dựng mới của một căn nhà 100m2 bình quân khoảng 730 triệu đồng.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị sẽ đảm bảo mục tiêu của thuế tài sản, đảm bảo công bằng xã hội, đặc biệt đối với những nhà có giá trị thấp sẽ không phải đóng thuế.
Do đó, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án. Cụ thể, phương án 1, đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh, đất xây dựng nhà chung cư), áp dụng mức thuế suất là 0,3% trên toàn bộ giá trị đất.
Trong đó, phương án a, phần giá tính thuế đối với nhà từ 1 tỷ đồng trở xuống, thuế suất là 0%. Phần giá tính thuế đối với nhà trên 1 tỷ đồng, thuế suất là 0,3%, dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng.
Phương án b, phần giá tính thuế đối với nhà từ 700 triệu đồng trở xuống, thuế suất là 0%. Phần giá tính thuế đối với nhà trên 700 triệu đồng, thuế suất là 0,3%, sẽ thu về khoảng 23.300 tỷ đồng.
Ông Thi phân tích phương án này có ưu điểm là kế thừa toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu của chính sách thuế hiện hành; đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc kê khai, nộp và quản lý thu thuế đối với đất.
Còn đối với phương án thuế suất 0,4%, số thu thuế tài sản khoảng 30.300 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.
Hiện, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án thuế suất 0,4% và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang cân nhắc, lấy ý kiến việc đánh thuế tài sản với tàu bay, ôtô và du thuyền và đưa ra hai phương án. Phương án 1 là đánh thuế tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng. Phương án 2 là không đánh thuế đối với tàu bay, du thuyền do hiện nay 100% tàu bay, du thuyền đăng ký ở Việt Nam thuộc sở hữu của tổ chức.
Đánh thuế tài sản, ngân sách có thêm hàng tỷ USD |
Ô tô có giá 1,5 tỷ cũng phải tính thuế
Cụ thể, các tài sản này nếu có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên (trừ loại sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách) có thể chịu mức thuế 0,3% hoặc 0,4%. Đối với tài sản mới, giá tính thuế là giá trị tại thời điểm tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định.
Riêng với tàu bay, du thuyền, ôtô đã qua sử dụng, giá tính thuế được xác định bằng giá trị tài sản với tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của tài sản mới, nhân với tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của tài sản do UBND cấp tỉnh ban hành theo thời gian sử dụng tại thời điểm tính thuế.
Lý giải thêm, ông Thi cho biết vì số thu này liên quan đến nguồn thu của địa phương để đầu tư hạ tầng. Do đó, trong trường hợp cần áp dụng mức thuế suất cao hơn, HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% mức quy định chung.
“Quy định này nhằm tạo tính chủ động của chính quyền địa phương để quy định mức thuế suất thuế tài sản cho phù hợp”, ông Thi cho hay.
Liên quan đến câu hỏi làm sao để tính thuế đúng và đủ thuế tài sản nhà, đất, ô tô, bởi có người có nhiều nhà ở các tỉnh, thành thì làm sao xác định được chủ sở hữu, ông Thi cho rằng cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu mã số thuế người nộp thuế.
Ví dụ nhà tại Tp.HCM không đứng tên thì tại thời điểm hiện tại chưa có cách xác định thu thuế, nhưng một khi đã quản lý nhà ở là phải tiến hành từng bước.
Ngoài ra, ông Thi cũng cho biết giá tính thuế nhà như phương án 0,3% là thấp và không tác động nhiều tới thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nếu như một người có nhiều nhà ở vị trí đắc địa thì phải nộp thuế rất cao.
Ông Thi dẫn ví dụ: “Nhà 100m2 ngay mặt phố Trần Hưng Đạo cho thuê một tháng đã được rất nhiều tiền. Bản thân chủ ngôi nhà đã có thu nhập từ khoản cho thuê nhà hàng tháng, do vậy sẽ phải chịu đóng thuế tài sản cao. Vì giá đất tại khu vực này được UBND Tp. Hà Nội công bố khá cao”.
Thanh Hoa