Theo báo cáo mới công bố, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho rằng đề xuất trên phù hợp với tổn thất ước tính mà nền kinh tế Mỹ phải gánh chịu do Trung Quốc gây ra, đồng thời loại bỏ được các hành vi và chính sách nguy hại đến từ phía Trung Quốc. Mỹ đang nhắm đến 1.300 dòng sản phẩm và buộc Trung Quốc phải thay đổi thực trạng xâm hại sở hữu trí tuệ hiện nay.
Liên tiếp đáp trả nhau
Trong khi quyết định cụ thể xem sẽ đánh thuế sản phẩm nào, giới chức Mỹ đã xác định đây đều là những mặt hàng “hưởng lợi từ các chính sách công nghiệp của Trung Quốc, bao gồm chiến lược Made in China 2025”.
Kế hoạch Made in China 2025 của Trung Quốc được công bố năm 2015, nhấn mạnh 10 lĩnh vực cần hỗ trợ để Trung Quốc trở thành cường quốc sản xuất hiện đại, từ công nghệ thông tin, robot đến hàng không vũ trụ.
Nguyên tắc lựa chọn các sản phẩm để Mỹ đánh thuế là tối đa hóa thiệt hại cho Trung Quốc, giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế và người tiêu dùng Mỹ.
Ngoài các công nghệ tiên tiến như vệ tinh truyền thông, danh sách sản phẩm Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế còn bao gồm nhiều chủng loại khác nhau, từ thép cho đến thiết bị truyền hình, thiết bị y tế, máy rửa bát, máy thổi tuyết, súng phun lửa... trải khắp các lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe đến hàng không và phụ tùng ôtô.
Gần như ngay lập tức, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã phản ứng với tuyên bố “mạnh mẽ lên án và kiên quyết phản đổi” chính sách thuế mới này, đồng thời khẳng định Trung Quốc sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả thích đáng.
Theo nhận định của chuyên gia, danh sách sản phẩm dự kiến chịu thuế bổ sung của Mỹ rộng hơn danh sách mà Trung Quốc áp dụng từ 2/4, để đáp trả chính sách thuế nhập khẩu thép và nhôm do Mỹ ban hành cuối tháng 3 vừa rồi.
Trong khi Trung Quốc nhắm đến nhiều mặt hàng thực phẩm, như thịt lợn, rượu vang… thì Mỹ lại tập trung chủ yếu vào các sản phẩm đầu vào công nghiệp, nhằm tác động đến giá thành, hoặc tạo ra sự gián đoạn trong sản xuất.
Danh sách đánh thuế dự kiến của USTR sẽ được đăng tải trong 60 ngày để lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp. Mọi góp ý có thể gửi đến cho USTR trước ngày 11/5, để USTR tổ chức họp giải trình vào ngày 15/5 tại Washington.
Một thời kỳ bang giao Mỹ - Trung căng thẳng phía trước là tương đối rõ ràng
Phản ứng trong nước trái chiều
Tương đối bất ngờ, là một số tổ chức kinh tế đã lên tiếng phản đối báo cáo của USTR. Ông Myron Brilliant - người đứng đầu ban Hợp tác quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ, cho rằng: “Chính phủ tập trung vào việc khôi phục sự bình đẳng và cân bằng trong mối quan hệ thương mại giữa hai nước là đúng. Tuy nhiên, đánh thuế các sản phẩm mà người dân và doanh nghiệp Mỹ sử dụng hàng ngày thì lại không phải là cách làm hay để đạt được những mục tiêu đó”.
Trong khi đó, ông Dean Garfield - Tổng Giám đốc Hội đồng Công nghệ thông tin Mỹ, kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump phối hợp với các quốc gia khác để “giải quyết những khúc mắc mang tính hệ thống với Trung Quốc”.
Theo vị này, nếu nhìn vào lịch sử, việc đánh thuế như vậy không hề hiệu quả mà thậm chí còn hoàn toàn phản tác dụng. Thuế má chỉ làm người tiêu dùng Mỹ bị thiệt hại vì các sản phẩm công nghệ tăng giá, trong khi vẫn không thay đổi được hành vi của Trung Quốc.
Đại diện Hiệp hội Bán lẻ quốc gia Mỹ cho biết, họ hài lòng khi các sản phẩm như giày dép và quần áo đã bị loại trừ, nhưng tỏ ra quan ngại đến đề xuất đánh thuế hàng điện tử và đồ gia dụng.
Ở chiều ngược lại, Hiệp hội Các nhà sản xuất Mỹ lại hoan nghênh động thái này. Ông Scott Paul - Chủ tịch Hiệp hội, cho rằng: “Động thái của chính phủ sẽ giúp lấy lại sự cân bằng với Trung Quốc, cũng như tạo điều kiện khôi phục hàng triệu việc làm đã mất vào tay Trung Quốc”.
Hải Châu