Ngày 15/11/2018, tại Hà Nội, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đồng tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn với chủ đề: “Xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước (KTNN) trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Đóng góp vào phát triển đất nước
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng Giám đốc PVN, khẳng định sự ra đời và phát triển của các tập đoàn KTNN đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đưa Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc PVN cũng chỉ rõ, trong quá trình hoạt động, mô hình tập đoàn KTNN ít nhiều đã bộc lộ một số vấn đề cần phải giải quyết, biểu hiện chủ yếu là phát triển quá nóng, tập trung mở rộng quy mô, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực mà thiếu chú trọng vào lĩnh vực cốt lõi; phát triển vượt quá năng lực tài chính, quản trị...
Kết quả là hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ (tài nguyên, đất đai, vốn, công nghệ...); gặp khó khăn trong quản lý khi tham gia vào các lĩnh vực rủi ro (tài chính, ngân hàng, bất động sản…).
Phạm vi hoạt động của đa số các tập đoàn KTNN chủ yếu là thị trường trong nước, hội nhập khu vực và quốc tế còn hạn chế.
Sự liên kết giữa các thành viên trong tập đoàn chưa cao, chưa thể hiện được bản chất của tập đoàn KTNN, chưa thể hiện rõ được vai trò dẫn dắt, tạo động lực phát triển cho các lĩnh vực, các ngành khác.
Tổng Giám đốc PVN cho rằng ảnh hưởng của các tập đoàn KTNN đối với nền kinh tế là rất sâu, rộng. Khi các tập đoàn kinh tế hoạt động hiệu quả sẽ có tác động tích cực, sâu sắc đến không chỉ lĩnh vực kinh tế mà hơn thế nữa, còn tác động tới niềm tin của xã hội vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, vào chế độ, chính sách của Nhà nước.
Thực tiễn cho thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói chung, các tập đoàn KTNN nói riêng, một trong những vấn đề then chốt cần giải quyết là hoàn thiện thể chế. Trong đó, một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng trong quản lý, điều hành của Nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước.
![]() |
Toàn cảnh hội thảo |
Trụ cột quan trọng của nền kinh tế
PGs.Ts. Vũ Văn Hà - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, khẳng định vị trí, vai trò của DNNN trong nền kinh tế. Theo PGs.Ts. Vũ Văn Hà, DNNN vẫn đang tồn tại, phát triển và có vai trò nhất định ở hầu hết các quốc gia, từ các nước phát triển cho tới các nền kinh tế mới nổi và các nước có thu nhập thấp.
“Các tập đoàn KTNN đảm nhận nhiệm vụ là trụ cột quan trọng của nền kinh tế, là lực lượng, công cụ quan trọng để mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giữ vai trò tiên phong đối với quá trình đổi mới khoa học và công nghệ quốc gia...”, PGs.Ts. Vũ Văn Hà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình vận hành vẫn còn xảy ra tình trạng các tập đoàn kinh tế hoạt động kém hiệu quả, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản Nhà nước.
Hội thảo đã thảo luận làm rõ ba nhóm vấn đề: Thể chế và vai trò của thể chế đối với sự phát triển tập đoàn KTNN; kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc xây dựng thế chế cho phát triển các tập đoàn KTNN; đánh giá thực trạng xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn KTNN Việt Nam trong thời gian qua, làm rõ những thành công, hạn chế, nguyên nhân của các hạn chế, đặc biệt là sự đánh giá dưới góc nhìn từ một số tập đoàn KTNN.
Tại hội thảo, các diễn giả, đại biểu tham dự đều thống nhất cho rằng để hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế, đặc biệt là các tập đoàn KTNN, đòi hỏi nhiều yếu tố và điều kiện khác nhau. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, thể chế, đặc biệt là hệ thống pháp luật, chính sách phù hợp là yếu tố quan trọng nhất để phát triển các tập đoàn kinh tế.
Hà Anh