Tại "Hội thảo Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị" sáng 14/11, Ts. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã kể lại những cuộc cải cách "bất thành".
Nếu tuân thủ luật, Vinashin và Vinalines đã không trở thành "gánh nợ" (Ảnh: Internet) |
Nhìn lại thời gian qua, ông Cung cho rằng: "Những đợt cải cách mà chúng tôi cho rằng tốt nhưng cuối cùng chỉ lởn vởn".
Đầu tiên là Luật Doanh nghiệp 2005 khẳng định tất cả luật, pháp lệnh, nghị định mới có quyền ban hành các điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, sau đó, điều kiện kinh doanh xuất hiện tại nhiều thông tư.
Luật này cũng yêu cầu các Bộ hàng năm phải rà soát điều kiện kinh doanh thuộc Bộ quản lý nhưng cuối cùng không Bộ nào làm. Vì vậy, hàng loạt nghị định ban hành từ năm 2005-2008 xuất hiện ồ ạt điều kiện kinh doanh. Số lượng điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ năm 2000-2003 được phục hồi, cũng như bổ sung thêm nhiều điều kiện mới.
Luật Doanh nghiệp 2005 cũng yêu cầu đến 30/6/2010 là hạn cuối cùng để các doanh nghiệp nhà nước gồm các tổng công ty và công ty nhà nước độc lập phải chuyển thành công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, cả từ giai đoạn 2005-4/2010, các doanh nghiệp không làm gì. Đột nhiên 2 tháng cuối ồ ạt ra quyết định hành chính chuyển một cách hình thức sang công ty.
"Nếu doanh nghiệp nhà nước được chuyển thành công ty từ năm 2005 sẽ không xảy ra những "gánh nợ" như Vinashin, Vinalines. Luật Doanh nghiệp 2005 cũng đưa ra 5 nguyên tắc quản trị doanh nghiệp nhà nước nhưng cuối cùng cũng không thực hiện", ông Cung nhấn mạnh.
Tiếp đến, ông Cung dẫn chứng Luật Doanh nghiệp 2014 nhắc lại một lần nữa về điều kiện kinh doanh, cho 2 năm thực hiện chuyển đổi, ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, trong 2 năm đó, rất ít nơi làm, 2 tháng cuối cùng dồn dập sửa đổi. Điều đó dẫn tới, cơ quan nhà nước không đủ thời gian, nguồn lực thẩm định cái gì cần thiết, cái gì phù hợp, cuối cùng ban hành điều kiện kinh doanh ào ạt, chất lượng không đạt.
"Kể những câu chuyện này là tôi muốn nói rằng cải cách thủ tục hành chính nói chung, cắt giảm điều kiện kinh doanh nói riêng phải liên tục nhất quán, có áp lực từ bên ngoài thì mới làm được", ông Cung nhấn mạnh.
Lê Thúy