Công trường xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 |
Với vai trò và sứ mệnh được giao đảm bảo năng lượng cho đất nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) luôn nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trong giai đoạn 2007 - 2017, PVN duy trì mức tăng trưởng bình quân 15 - 20%, nộp trung bình 20% tổng thu ngân sách hàng năm.
Cùng với EVN, TKV, PVN đã góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống nhân dân… Tuy nhiên, PVN hiện còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng các công trình năng lượng, đặc biệt các dự án điện thuộc Tổng sơ đồ điện VII hiệu chỉnh.
Quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp (DN) và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN sau khi nộp thuế thu nhập DN 22% phần lợi nhuận sau thuế chỉ được trích lập 3 quý (khoảng 30% giá trị lợi nhuận sau thuế), phần còn lại nộp hết vào ngân sách nhà nước. Do đó, riêng PVN không đủ để thực hiện trách nhiệm của nhà đầu tư mà phải yêu cầu bảo lãnh vay vốn là bắt buộc.
Nhiều dự án có quy mô lớn, vốn đầu tư lớn, như Nhà máy điện Sông Hậu 1, Long Phú 1, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất… đều là các dự án đặc biệt quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia có tổng mức đầu tư lên tới nhiều tỷ USD. Việc thu xếp 70% vốn vay để triển khai các dự án này là hết sức khó khăn và không hiệu quả nếu không có bảo lãnh của Chính phủ.
Về cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích các dự án điện khí LNG, hiện nay và các năm tới, nguồn khí thiên nhiên giá thấp khai thác trong nước ngày càng suy giảm. Chính phủ đã có chủ trương quy hoạch phát triển lĩnh vực khí LNG tại Việt Nam để đa dạng hóa nguồn năng lượng sơ cấp cho các dự án sản xuất điện. Tuy nhiên, giá khí LNG nhập khẩu cao dẫn tới giá điện sản xuất cũng tăng cao, khó cạnh tranh với các nguồn điện khác.
Hiện nay, các bộ định mức đơn giá do các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành chưa đầy đủ, chưa phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công giá thị trường dẫn tới chủ đầu tư gặp khó khăn trong lập tổng mức đầu tư, tổng dự toán đối với các nhà máy nhiệt điện.
Một vấn đề nữa là theo quy định của Điều 52, Luật Xây dựng, với các dự án Nhóm A, trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng làm cơ sở xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng.
Trong văn bản số 80/HHNL-VP ngày 26/10/2018 gửi lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng “không nên lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nữa”, đồng thời kiến nghị xem xét điều chỉnh Luật Xây dựng theo hướng cho phép chủ đầu tư các dự án điện có trong Quy hoạch phát triển điện Quốc gia không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Cũng tại văn bản trên, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạo cơ chế chính sách để các dự án nhiệt điện Sông Hậu 1, Long Phú 1 và Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất được cấp bảo lãnh vay vốn để bảo đảm đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho các dự án và triển khai thực hiện đúng tiến độ.
Thời gian qua, nhằm làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án trọng điểm của ngành Dầu khí, PVN đã phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều Hội thảo, Tọa đàm nhằm tìm ra các giải pháp cụ thể, đưa ra các ý kiến, kiến nghị cho việc xử lý các khó khăn hiện tại của ngành Dầu khí.
Hầu hết các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng cần phải bổ sung, điều chỉnh Luật Dầu khí và các văn bản pháp quy dưới luật cho phù hợp với bối cảnh dầu khí hiện nay, đảm bảo tính hấp dẫn đầu tư… Đồng thời, cần phải có những chính sách, cơ chế phù hợp với đặc thù của ngành Dầu khí hướng đến việc phát triển ngành Dầu khí bền vững, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thanh Ngọc - Hiền Anh