Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước |
Trước đó, Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, gồm 5 chương, 28 điều với một số nội dung lớn như: về phạm vi bí mật nhà nước (Điều 9); về danh mục bí mật nhà nước (Điều 10); về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước (Điều 19).
Theo đó, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được thông qua có nhiều điểm mới so với dự thảo Luật do Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 4, đó là bổ sung quy định về hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước (Điều 18 và Điều 19).
Trong đó, quy định cụ thể về thẩm quyền tổ chức, thành phần tham dự và giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện về địa điểm tổ chức, phương tiện, thiết bị, các phương án bảo vệ, việc thu hồi tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước sử dụng tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp để quản lý chặt chẽ, phòng ngừa và ngăn chặn việc lộ, mất thông tin bí mật nhà nước trong hoạt động này.
Ngoài ra, Luật quy định, thông tin về bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước cũng thuộc diện mật trong lĩnh vực y tế.
Căn cứ tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 3 độ mật: Tuyệt mật, Tối mật và Mật.
Trong đó, bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là bí mật nhà nước liên quan đến lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bí mật nhà nước độ Tối mật là bí mật nhà nước liên quan đến lĩnh vực quy định tại khoản 2 Điều 8, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Bí mật nhà nước đã được xác định trước thời điểm Luật này có hiệu lực (1/7/2020) mà quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này thì phải giải mật hoặc gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước trước ngày 1/7/2023.
Thanh Hoa