Tuy nhiên, trước đề xuất tăng thuế nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ của ông Trump sau khi tái đắc cử, khiến doanh nghiệp Mỹ có xu hướng đẩy nhanh tốc độ nhập hàng, để tích trữ hàng trước thuế. Xu thế này khiến giới chuyên môn lo ngại, liệu thị trường chủ lực như Mỹ có phải là điểm sáng cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm không khi mặt hàng này dù có cơ hội so với đối thủ cạnh tranh nhưng vẫn còn khó về giá cả, thị phần, các rào cản thương mại, biến động thị trường...
VASEP cho hay, nhập khẩu tôm vào Mỹ từ top 3 nguồn cung chính đều giảm, điều này làm tăng lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tâm lý thị trường và tình hình kinh tế lạc quan hơn, tồn kho giảm, tình trạng cung vượt cầu đã được cân bằng trở lại nên nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ dự kiến sẽ cao hơn và giá tôm trên thị trường này cũng được cải thiện và có chiều hướng tăng.
Giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng Việt Nam sang Mỹ trong năm nay, ghi nhận tăng liên tục từ tháng 2 - 7, sau đó giảm liên tục trong quý 3 xuống 9,9USD/kg trong tháng 9 và tăng trở lại 10,3USD/kg trong tháng 10.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với những rủi ro. |
Trên thị trường bán lẻ của Mỹ trong tháng 10 năm nay, trong số các sản phẩm thủy sản đông lạnh, tôm đông lạnh tiếp tục là mặt hàng có doanh số cao nhất cả về khối lượng và giá trị bán ra, với giá trị bán ra tăng 6% trong tháng 10. Tôm tươi cũng ghi nhận doanh số bán ra tăng trong tháng 10.
Nhu cầu cả 2 mặt hàng này tăng, theo VASEP, một phần do giá trung bình giảm, kích thích nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ.
Một phần do đề xuất tăng thuế nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ của ông Trump sau khi tái đắc cử, khiến doanh nghiệp Mỹ có xu hướng đẩy nhanh tốc độ nhập hàng, để tích trữ hàng trước thuế nên trong các tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trong đó có tôm sẽ tiếp tục tăng.
Đáng nói, ngày 19/11/2024, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (USITC) đã xác định ngành công nghiệp tôm nội địa Mỹ bị thiệt hại do tôm nhập khẩu được bán với giá thấp hơn giá trị hợp lý hoặc được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với những rủi ro như tăng cước vận tải,...
USITC đã khẳng định kết luận của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về việc tôm nước ấm đông lạnh từ Indonesia được bán tại Mỹ với giá thấp hơn giá trị hợp lý là có cơ sở. Đồng thời, USITC cũng đồng tình với các kết luận của DOC về việc tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam được hưởng trợ cấp từ chính phủ trong nước.
Quyết định này “mở đường” cho Bộ Thương mại Mỹ ban hành lệnh áp thuế đối kháng đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam, cũng như lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với tôm từ Indonesia.
Cũng cần nhắc lại, vụ phía nguyên đơn từ Mỹ kiện ngành tôm nhiều nước, trong đó có Việt Nam hưởng lợi từ sự trợ cấp Chính phủ (CVD) đang đi vào giai đoạn cuối.
Nói về việc này, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho hay Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đưa ra mức thuế CVD sơ bộ và mức thuế cuối cùng cho ngành tôm Việt Nam là 2,84%.
Trong tiến trình diễn biến, các lô tôm XK vào Mỹ từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 7/2024, doanh nghiệp Việt Nam đã tạm nộp cho Hải quan Mỹ mức thuế này.
Các lô hàng XK từ 1/7/2024 đến nay, doanh nghiệp chưa cần nộp thuế theo quy định luật của phía Mỹ. Các doanh nghiệp phải trích dự phòng trên sổ sách các khoản tiền này để giảm thiểu rủi ro.
Tuy nhiên, đây chưa là điểm kết luận cuối cùng mức thuế của vụ kiện. Theo trình tự ngày 5/12/2024 Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) sẽ xem xét và đưa ra phán quyết cuối cùng, chỉ kết luận là vụ kiện hình thành hay không.
Nếu ITC cho rằng mức hưởng lợi từ trợ cấp có làm ảnh hưởng đến hoạt động ngành tôm Mỹ, mức thuế 2,84% trở thành chính thức, trở thành một rào cản không nhỏ cho ngành tôm Việt Nam.
Nếu ITC cho rằng mức trợ cấp này không ảnh hưởng đáng kể tới ngành tôm Mỹ, vụ kiện sẽ bị hủy bỏ.
Trong bối cảnh đó, VASEP cho rằng nếu lệnh áp thuế được ban hành, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ lại đối mặt với thêm thách thức. “Các doanh nghiệp tôm Việt lại phải xoay sở và tìm cách giữ thị trường như tập trung vào các sản phẩm không bị áp thuế", VASEP khuyến nghị, đồng thời khuyên doanh nghiệp cần duy trì chất lượng sản phẩm cao, tăng cường chế biến sâu và khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ngoài ra, cần cung cấp thông tin minh bạch về quá trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu và các tiêu chuẩn chất lượng. Điều này sẽ giúp xây dựng lòng tin với người tiêu dùng và đối tác ở Mỹ, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các nhà phân phối, siêu thị và các hệ thống bán lẻ lớn tại Mỹ; Chủ động có các kế hoạch ứng phó nhanh chóng với các thay đổi về thuế quan và biện pháp thương mại của thị trường lớn này.
Hồng Hương