Sau hơn một năm đối chứng thực tế tại các farm nuôi tôm ở Đài Loan (Trung Quốc), tôm giống Mebi One đã đạt những tiêu chí phát triển và kỳ vọng của các chủ farm nuôi. Trên cơ sở đó, ngày 23/9, Công ty cổ phần Giống thủy sản Kim Hoàng Quảng Nam và đối tác là công ty thủy sản Yong Sing đã đạt được thỏa thuận, chính thức ký kết hợp tác thương mại đưa tôm giống Mebi One phát triển tại thị trường Đài Loan.
Tại lễ ký kết, công ty thủy sản Yong Sing đã đặt đơn hàng 2,5 triệu con tôm giống trị giá 10.000 USD và trong năm 2024-2025 đạt con số 300.000 USD.
Đây là những con số đầu tiên nhằm tạo bước ngoặt để con tôm giống Mebi One tiến vào các thị trường nuôi tôm khó tính ở châu Á.
Doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam chính thức ký kết hợp tác thương mại đưa tôm giống Mebi One phát triển tại thị trường Đài Loan. |
Con tôm giống của Công ty cổ phần giống thuỷ sản Kim Hoàng Quảng Nam được sản xuất theo quy trình tiên tiến, hiện đại và khép kín trên diện tích 8,5ha tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam gồm 4,5ha xây dựng cơ sở sản xuất tôm giống, 4ha xây dựng công trình phụ trợ và khu thực nghiệm, chuyển giao công nghệ.
Trong đó, khu sản xuất tôm giống với công suất mỗi năm cho ra 5 tỉ con post, hạ tầng đầu tư đồng bộ bao gồm khu điều hành, khu nuôi cấy tảo gốc, sản xuất Artemia và các khu có liên quan để phục vụ sản xuất tôm giống công nghệ cao.
Ông Huỳnh Công Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giống thủy sản Kim Hoàng Quảng Nam chia sẻ: "Việc hợp tác với công ty thủy sản Yong Sing để xuất khẩu tôm giống Mebi One vào thị trường Đài Loan là bước đầu để chúng tôi khẳng định giá trị, giới thiệu sản phẩm tôm giống chất lượng cao của Việt Nam đến với người tiêu dùng Đài Loan, mở ra nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa trong tương lai".
Liên quan đến xuất khẩu tôm, theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 8 tiếp tục ghi nhận giá trị xuất khẩu cao nhất kể từ đầu năm và ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 2 năm nay. Lũy kế 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm tiếp tục ghi nhận tăng trưởng 2 con số ở hầu hết các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, Trung Quốc, EU.
Lãnh đạo VASEP dự báo, thị trường xuất khẩu tôm sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới, khi nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc và Mỹ tăng trở lại từ cuối quý IV để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong các dịp lễ, Tết cuối năm.
Tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Anh, Mỹ, EU, con tôm Việt Nam vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh với các nguồn cung khác từ Ấn Độ, Ecuador bởi lợi thế chế biến sâu, nhiều hàng giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, để con tôm Việt Nam có thêm sức cạnh tranh, vượt qua những khó khăn được dự báo trước, ngành tôm cần phải nỗ lực nhiều hơn. Tôm Việt Nam thành công tiến thẳng vào các thị trường khó tính một phần cũng nhờ vào các sản phẩm tôm lúa, tôm sinh thái, hữu cơ, vì vậy, trong chiến lược phát triển con tôm sinh thái vẫn chiếm một vai trò quan trọng.
Đồng thời, giảm dịch bệnh, tập trung đầu tư vùng nuôi, chủ động nguyên liệu, mở rộng những khách hàng mới là những giải pháp quan trọng giúp ngành tôm tăng cường sức mạnh, sẵn sàng cạnh tranh ở những thị trường lớn...
Hồng Hương