Cụ thể, Tập đoàn KIDO đã mua thêm 4,5 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Hùng Vương (chưa niêm yết) vào ngày 22/8. Sau khi hoàn tất giao dịch, KIDO đã tăng sở hữu tại Hùng Vương Plaza lên hơn 14 triệu cổ phiếu, tương đương với tỉ lệ 58,05%.
Hùng Vương Plaza về tay Tập đoàn KIDO. |
Đại diện KIDO xác nhận Công ty cổ phần Hùng Vương là chủ sở hữu trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza (quận 5, TP HCM).
Hùng Vương Plaza có tổng diện tích sàn kinh doanh thương mại gần 45.000 m2, gồm 7 tầng nổi thương mại cùng bãi giữ xe tầng hầm và ngoài trời. Tòa cao ốc này có 4 mặt tiền đường, với khoảng 200 cửa hàng và thương hiệu đang kinh doanh.
Trước đó, KIDO trở thành cổ đông lớn của Hùng Vương Plaza vào đầu tháng 8 vừa qua, sau khi mua vào 39,41% cổ phần. Ở chiều ngược lại, Quỹ VOF Investment (liên quan VinaCapital) bán ra toàn bộ 31,04% cổ phần tại Hùng Vương Plaza.
Trong khi đó, Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật cho Hùng Vương Plaza là ông Lê Văn Quang cũng đang đăng ký mua thêm gần 3 triệu cổ phần để có thể trở thành cổ đông lớn nắm giữ khoảng 4,2 triệu cổ phần (tỷ lệ dự kiến 17,34%), trong thời gian từ 6/8-5/9.
Tính đến hết tháng 6, KIDO sở hữu 8 công ty con là Vocarimex, Dầu Tường An, Kido Nhà Bè, Kido Food, Thương mại và Dịch vụ Kido, Kido Long An, Thọ Phát Quốc tế, Chế biến thực phẩm Thọ Phát. Với việc thâu tóm Hùng Vương Plaza thì hệ thống được mở rộng lên 9 công ty con.
Tập đoàn còn ghi nhận nhóm 4 công ty liên kết là Thực phẩm Đông lạnh Kido, Mỹ phẩm LG Vina, Đầu tư Lavenue và Dabaco Food.
Tại một diễn biến khác, mới đây, Liva Holdings Limited - quỹ thuộc Công ty Cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital, đã mua 8,6 triệu cổ phiếu KDC của Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO.
Hoàn tất giao dịch, Liva Holdings Limited nâng sở hữu lên từ 8,62 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ 2,97% lên 17,24 triệu cổ phiếu, tức 5,95% - đồng thời trở thành cổ đông lớn của KIDO.
Sau giao dịch, tổng sở hữu của nhóm quỹ VinaCapital tăng từ 11,67 triệu cổ phiếu lên 20,29 triệu cổ phiếu, tương đương với tỉ lệ 7%.
Về tình hình kinh doanh, quý II/2024, KIDO ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.716 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ. Dù đã tích cực tiết giảm mọi khoản chi phí nhưng KIDO ghi nhận lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 10,9 tỷ đồng trong quý II/2024, "bốc hơi" tới gần 99% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, KIDO mang về 3.532 tỷ đồng doanh thu, và 32 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 19% và 94,2% so với cùng kỳ.
Năm 2024, KIDO lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, KIDO mới chỉ thực hiện được 27% mục tiêu doanh thu và 6% chỉ tiêu lợi nhuận
Không chỉ suy giảm ở lợi nhuận, chất lượng tài sản của KIDO cũng không mấy khả quan. Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của KIDO ở mức 11.377 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Trong đó, giảm chủ yếu đến từ các khoản tiền và tương đương tiền co lại từ 2.185 tỷ đồng tại đầu năm xuống còn 1.637 tỷ đồng, tức giảm 25%.
Đồng thời, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn - ngắn hạn của KIDO cũng ghi nhận lao dốc tới 71% xuống còn 173 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của KIDO đạt 4.288 tỷ đồng, giảm 18% so với số đầu kỳ. Trong đó ghi nhận giảm chủ yếu đến từ các khoản vay. Cụ thể, KIDO ghi nhận vay ngắn hạn 2.566 tỷ đồng, vay dài hạn 252 tỷ đồng, giảm lần lượt 9% và 49% so với đầu năm.
Trên thị trường, từ vùng 62.000 đồng/cp, cổ phiếu KDC đã giảm mạnh về vùng 55.000 đồng/cp trong hơn 1 tháng qua, tương ứng với mức giảm 11,2%. Đây là vùng giá thấp nhất của cổ phiếu này tính từ tháng 3/2023.
Châu Anh