Bà Đặng Thị Thuý Nga, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) - chuyên thu mua và trồng các loại rau quả với quy mô cánh đồng lớn theo tiêu chuẩn VietGAP, cho biết giá thu mua nhiều loại rau quả mà HTX sắp sửa thu hoạch hiện đang giảm xuống mức trầm trọng khiến cho nhiều nông dân hoang mang lo lắng.
Khủng hoảng đầu ra
Chẳng hạn, giá các loại quả bơ không có thương hiệu vốn chủ yếu xuất sang Trung Quốc (có khi mỗi ngày vài trăm tấn) đến nay đã giảm khoảng 50% so với trước đây. Hoặc sắp đến mùa thu hoạch chôm chôm với loại chôm chôm Java rất nhiều nhưng giá thu mua có khi hạ xuống chỉ còn 2.500 đồng/kg.
Tác động của dịch Covid-19 khiến đầu ra của rau quả Việt gặp khó |
Theo bà Nga, khoảng 2 - 3 tháng nữa, việc thu hoạch những loại quả chủ yếu của HTX như sầu riêng, bơ, chôm chôm, măng cụt... trở nên đại trà, đồng loạt thì trước tình hình mức giá sụt giảm mạnh, thiếu hụt đầu ra là một áp lực lớn.
“Chúng tôi không biết đến thời điểm đó liệu có ai sử dụng hết các loại trái cây thu hoạch, thu mua đồng loạt của HTX hay của cả tỉnh Đồng Nai? Vì đầu ra ở Trung Quốc nếu không tiêu thụ được thì ngay ở thị trường nội địa lại càng khó hơn khi nguồn cung quá tải so với nhu cầu”, bà Nga nói.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề triển lãm và hội nghị quốc tế lần 3 về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả (Hortex Vietnam 2020) tổ chức ở Tp.HCM ngày 26/2, bà Nga bày tỏ điều mà HTX đang mong muốn là có thể kết nối, ký kết với nhiều nhà thu mua và các nhà chế biến để đảm bảo các loại quả của HTX không phải gặp khủng hoảng đầu ra từ Trung Quốc.
Trong khi đó, trước tình hình khó khăn trên thị trường xuất khẩu (XK) rau quả (nhất là Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch Covid-19), ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng kim ngạch XK rau quả trong năm nay có thể sẽ sụt giảm ít nhất 20% so với năm 2019.
Kim ngạch XK rau quả từ đầu năm 2020 đến thời điểm hiện tại được cho là vào khoảng 300 triệu USD, trong đó riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm khoảng 200 triệu USD. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu những con số này có phản ánh đúng giá trị XK rau quả hiện nay?
Theo ông Nguyên, thực tế số tiền mà doanh nghiệp (DN) trong nước thu về chưa hẳn đã đúng với con số ước lượng như trên. Nguyên nhân là bởi khi hàng rau quả vào Trung Quốc rồi, do ảnh hưởng dịch bệnh nên khó lưu thông, hàng để trong kho lâu ngày có thể bị hỏng. Với số hư hỏng đó, người mua Trung Quốc chắc chắn sẽ không trả đủ tiền cho phía DN Việt.
“Cho nên, đây là một thiệt hại đối với DN XK rau quả. Đơn cử đối với một container thanh long từ Việt Nam xuất đi có giá trị 600 triệu đồng, nhưng khi sang Trung Quốc, bây giờ họ nói không bán hết, chỉ bán được 100 triệu đồng và chỉ trả đúng số tiền này thì phía DN Việt phải chịu lỗ”, ông Nguyên chia sẻ.
“Bẻ cua" từ từ
Đây là những điều mà một số DN XK rau quả sang Trung Quốc đã phản ánh với Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, theo đó dù rau quả có qua được cửa khẩu nhưng lại bán không được.
Đặc biệt là đợt hàng trước Tết âm lịch mang sang Trung Quốc bán trong dịp Tết và dịp Rằng tháng giêng vừa rồi thì xem như bị hư hỏng nặng, chẳng hạn gửi đi 5 container thì chỉ bán được 1 container; thậm chí 1 container đó chỉ được trả tiền một nửa hoặc 10 - 20%, DN cũng phải chịu.
Điều này chưa hẳn là phía nhà thu mua ở Trung Quốc gian dối, mà họ cũng bị thiệt hại do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Cần nhắc lại, XK rau quả năm ngoái đạt 3,74 tỷ USD, đã giảm 1,7% so với năm 2018, trong đó giá trị XK sang thị trường Trung Quốc giảm sâu tới gần 13%. Thị trường này đã đưa ra nhiều rào cản mới về chất lượng cũng như bắt buộc DN Việt phải XK qua đường chính ngạch thay vì tiểu ngạch như trước đây.
Còn từ đầu năm tới nay, XK nông sản của Việt Nam qua Trung Quốc lại tiếp tục gặp những khó khăn mới do dịch Covid-19. Theo chia sẻ của ông Đặng Phúc Nguyên, trước đây XK rau quả của Việt Nam sang thị trường này vào khoảng 200 triệu USD/tháng. Vì vậy, nếu một tháng không xuất được sang Trung Quốc thì ngành rau quả Việt sẽ mất đi khoảng 200 triệu USD, còn nếu xuất được "lai rai" thì có thể thu được khoảng 100 triệu USD.
Do đó, nếu nhìn về mặt thiệt hại do tác động của dịch Covid -19 ở thị trường Trung Quốc thì có thể gây thiệt hại cho ngành rau quả ít nhất cũng vào khoảng 20 - 30%.
Thế nhưng, việc chuyển hướng thị trường ngoài Trung Quốc vẫn đòi hỏi sự chuẩn bị tốt hơn và mang tính lâu dài. Có thể ví như một chiếc xe đang chạy băng băng trên một con đường thì việc bẻ cua gấp là điều không thể, chỉ có thể là bẻ cua từ từ.
“Điều này cho thấy việc chuyển đổi thị trường phải có sự chuẩn bị để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường đó, từ an toàn vệ sinh thực phẩm cho đến mẫu mã, bao bì... Những yêu này đòi hỏi phải thay đổi và không thể một sớm một chiều”, ông Nguyên nói.
Thế Vinh