Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản |
Năm 2019, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc lâm vào cảnh trì trệ. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
- Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm bình quân khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam ra thế giới. Đúng là với những sản phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn, thì năm vừa qua đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí suy giảm về kim ngạch. Điển hình như các mặt hàng: gạo, rau quả, thủy sản… Giao thương nông sản giữa Việt Nam với Trung Quốc trước đây chủ yếu đi theo đường tiểu ngạch, hiện nay Trung Quốc đã siết chặt thương mại tiểu ngạch để chuyển hẳn sang giao thương chính ngạch. Từ năm 2018 đến nay, hệ thống các cơ quan kiểm nghiệm - kiểm dịch ở Trung Quốc được sáp nhập vào Tổng cục Hải quan Trung Quốc, phía Trung Quốc đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để bảo đảm thực thi nghiêm túc và đầy đủ các quy định mà Trung Quốc đã ban hành từ lâu về kiểm nghiệm - kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác... Đây là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị giảm trong 2 năm trở lại đây sau nhiều năm tăng trưởng khá.
Với mặt hàng trái cây, từ đầu năm 2019, tôi nghĩ kim ngạch xuất khẩu sẽ giảm sâu. Nhưng may mắn là các tháng cuối năm, nhất là từ tháng 11 trở đi đã hồi phục về xuất khẩu. Nhờ vậy, giá trị xuất khẩu rau quả năm 2019 đạt 3,74 tỷ USD, giảm 1,9% so với năm 2018. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2019 với 65,7% thị phần, nhưng xuất khẩu rau quả sang thị trường này giảm 13,2% so với năm 2018.
Ở mặt hàng gạo, kim ngạch xuất khẩu giảm 9,7% về giá trị so với năm 2018, nguyên nhân trước hết do giá gạo xuất khẩu bình quân giảm 13,1% so với năm trước, chỉ đạt bình quân 438 USD/tấn. Nguyên nhân thứ hai là do sự sụt giảm khối lượng ở thị trường Trung Quốc. Năm vừa qua là năm khó khăn khi xuất khẩu gạo vào Trung Quốc, bởi họ xả kho dự trữ.
Ông nhận định thế nào về triển vọng xuất khẩu nông sản trong năm 2020?
- Trải qua một năm để thích ứng với các quy định mới, đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã quen dần với những hàng rào kỹ thuật. Dự báo năm 2020, xuất khẩu gạo, trái cây, thủy sản sẽ tìm lại được đà tăng trưởng cao như những năm trước đây. Trước đây, nông dân chờ thương lái Trung Quốc sang, tận vườn thu mua, hàng bán cho thương lái trung gian để sau đó nông sản của chúng ta chỉ đến khu vực Nam Ninh, Quảng Tây… Thì nay, chúng ta đã kết nối một số doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng đưa sản phẩm đi thẳng vào các chuỗi phân phối của Trung Quốc. Nhiều sản phẩm như sữa, chăn nuôi, gạo, thủy sản…, các doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển từ việc giao hàng ở cửa khẩu, sang đưa hàng đến tận các siêu thị ở Trung Quốc.
Trong tháng 1/2020, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo cho phép thêm 85 doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch thủy sản vào Trung Quốc. Như vậy, đến thời điểm này có 750 doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản chính ngạch sang Trung Quốc. Chúng tôi cũng đã thống nhất với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thiết lập một cơ chế họp định kỳ giữa lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và lãnh đạo Tổng cục Hải quan luân phiên tại vùng biên giới để kiểm soát vấn đề xuất khẩu và nhập khẩu chính ngạch. Đồng thời, triển khai nâng cao được hạ tầng thương mại nông sản giữa hai bên.
Tuy nhiên thời điểm những ngày này, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang gặp phải khó khăn khác, do những diễn biến mới của dịch bệnh virus corona. Mới đây, Ủy ban hiệp điều mậu dịch kinh tế đối ngoại thị xã Bằng Tường (Trung Quốc) đã có thông báo về việc đóng cửa giao dịch mua bán tại các cặp chợ cửa khẩu thuộc địa bàn Bằng Tường từ ngày 31/1 đến hết ngày 8/2 và sẽ chính thức mở cửa vào ngày 9/2 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan sẽ mở cửa vào ngày 3/2). Hy vọng, hai bên sẽ sớm có giải pháp để không nghẽn thông quan hàng hóa tại cửa khẩu.
Việt Nam có sản phẩm gạo được quốc tế đánh giá là “ngon nhất thế giới”, nhưng tại sao giá gạo xuất khẩu vẫn thua kém nhiều nước đối thủ khác, thưa ông?
- Giá trị hạt gạo gồm nhiều cấu phần: chất lượng, thương hiệu, thứ ba là những sản phẩm chế biến sâu từ gạo. Tuy nhiên, cả 3 khâu này chúng ta đều yếu.
Năm 2017, tôi sang Thái Lan dự một hội nghị do Thủ tướng Thái Lan chủ trì, thông tin là họ có sản phẩm dầu gội đầu, mỹ phẩm từ gạo. Hiện tại, chúng ta mới có dầu gội, dầu ăn được chế biến từ dừa, nhưng sản phẩm cao cấp chế biến từ gạo chưa có. Các nhà khoa học phải vào cuộc cùng nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm chế biến sâu từ gạo, chứ bà con nông dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tự làm được.
Khối lượng gạo đặc sản của Việt Nam chưa nhiều. Gạo ST của ông Hồ Quang Cua được thế giới đánh giá là sản phẩm gạo ngon nhất thế giới, nhưng diện tích trồng giống này còn thấp. Việt Nam cần phải quảng bá xây dựng thương hiệu gạo Việt hơn nữa, đồng thời phải đăng ký bảo hộ quốc tế đối với những loại gạo đặc sản.
Công tác xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường nông sản năm 2020 có sẽ có những thay đổi như thế nào, thưa ông?
- Trước đây, tại các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các Tham tán đều do ngành công thương bố trí, với nhiệm vụ giải quyết các vấn đề chung về thương mại. Nay, Chính phủ cho ngành nông nghiệp thí điểm cử Tham tán thương mại riêng về lĩnh vực nông nghiệp, nhằm nắm bắt các thông tin, gỡ vướng mắc rào cản thương mại nông sản và hỗ trợ các doanh nghiệp khi xuất khẩu nông sản. Giải quyết vấn đề thị trường phải giải quyết mọi bối cảnh chung song phương, thậm chí cả chính trị để tạo dư địa cho việc mở cửa thị trường chứ không đơn thuần chỉ là tháo gỡ rào cản kỹ thuật. Đầu năm 2020, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Trần Văn Công đã chính thức nhận nhiệm vụ Tham tán nông nghiệp tại EU (Brussels, Bỉ) đã gần một tuần. Như vậy, đến thời điểm này, chúng ta đã có Tham tán thương mại nông nghiệp tại Mỹ và EU. Đây là những bước thực thi đề án thí điểm thiết lập hệ thống Tham tán nông nghiệp được Chính phủ chỉ đạo. Ngoài ra, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đã thành lập 4 tổ thị trường theo vùng địa lý: Tổ Đông Á (theo dõi Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN); tổ thị trường Trung Quốc; tổ thị trường Châu Mỹ; tổ thị trường EU. Tại thị trường Châu Mỹ, trong năm 2020, sẽ tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Brazil về hợp tiêu thụ nông thủy sản; tổ chức đoàn công tác sang làm việc tại các bang của Mỹ tìm kiếm khả năng ký kết thương mại. Tại thị trường Châu Âu, sẽ tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp nông lâm thủy sản Việt Nam – Liên bang Nga. Trong năm 2020, sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại Trung Quốc: tham gia Hội chợ nông sản quốc tế Việt - Trung tại TP Đông Hưng; phối hợp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt –Trung về hợp tác tiêu thụ chè, cà phê tại tỉnh Hàng Châu; tổ chức Lễ xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang Trung Quốc…
Xuất khẩu nông lâm thủy sản được kỳ vọng sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng mỗi năm thêm 1-3 tỷ USD. Ngành đang đặt mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu vượt qua 50 tỷ USD trong những năm tới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu nông lâm thủy sản mạnh nhất trong ASEAN.
Xin cảm ơn ông!
Chu Khôi thực hiện