Bộ NN&PTNT vừa có Tờ trình kiến nghị Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Bộ NN&PTNT nhận định Việt Nam đang đứng trước thời cơ lớn về xuất khẩu gạo. |
Theo Bộ NN&PTNT, tình hình xuất khẩu gạo trên thế giới trong thời gian gần đây biến động liên tục như việc Nga chính thức rút khỏi Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen; Ấn Độ và UAE tạm dừng xuất khẩu gạo cũng như các vấn đề phát sinh khác. Thêm vào đó, hiện tượng El Nino, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán đang có những diễn biến ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo.
Để khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành hàng gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu và góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết của Việt Nam, Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Trong đó, Bộ NN&PTNT sẽ theo dõi, dự báo và nắm chắc tình hình sản xuất, tăng cường phòng chống sinh vật gây hại, chủ động ứng phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết để bảo vệ an toàn các vụ sản xuất đảm bảo mục tiêu 43 triệu tấn lúa của năm 2023; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật để đảm bảo tăng khối lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch thực vật tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu gạo, giảm tối đa thời gian kiểm tra, hoàn tất thủ tục trên cơ sở đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu.
Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Công Thương tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu gạo trên cơ sở theo dõi chặt chẽ và dự báo sát tình hình xuất, nhập khẩu; nhu cầu tiêu thụ; giá cả lương thực trong khu vực và trên thị trường thế giới để có các biện pháp chủ động, linh hoạt điều tiết việc kinh doanh, xuất nhập khẩu gạo để đảm bảo nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
Bộ Công Thương cũng sẽ được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.
“Đây là thời cơ cho xuất khẩu gạo, nếu không chớp thời cơ, chúng ta sẽ bị lỡ”, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh.
Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, bám sát đồng ruộng; chủ động và linh hoạt trong điều hành sản xuất lúa gạo đảm bảo đạt và vượt các mục tiêu năng suất, sản lượng theo kế hoạch trên cơ sở tuân thủ đúng các quy định kỹ thuật và an toàn thực phẩm của Việt Nam cũng như nước nhập khẩu; Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam chủ động nắm bắt các thông tin về thị trường lúa gạo thế giới, nhu cầu và năng lực của các thương nhân xuất nhập khẩu gạo để thông tin kịp thời đến cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và cộng đồng sản xuất, kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam.
Liên quan tới vấn đề xuất khẩu gạo, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7/2023 do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 1/8, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Việt Nam hoàn toàn yên tâm về vấn đề an ninh lương thực, cũng như tận dụng thời cơ tốt nhất cho xuất khẩu.
Về vấn đề trước thời cơ thị trường như hiện nay, Việt Nam có mở rộng diện tích trồng lúa không? Ông Cường cho hay, theo chủ trương diện tích trồng lúa chỉ có giảm, không tăng. Tuy nhiên, để nắm bắt thời cơ, Bộ NN&PTNT đã bố trí nâng diện tích trồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long từ đầu năm 2023 từ 650.000 ha lên 700.000 ha.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam bán ra ở mức 588 USD/tấn (tăng 55 USD/tấn so với cách đây 10 ngày). Hiện, giá gạo 5% của Việt Nam đang thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan 35 USD/tấn.
Đến hết tháng 7, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,58 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ, giá gạo bình quân 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ.
Thy Lê