Chính phủ Ấn Độ đang thảo luận về kế hoạch cấm xuất khẩu (XK) các loại gạo không phải Basmati (một loại gạo hạt dài được trồng chủ yếu ở Ấn Độ). Nếu lệnh cấm này được thực hiện sẽ ảnh hưởng đến khoảng 80% lượng gạo XK của Ấn Độ.
Ấn Độ cấm xuất khẩu, thêm cơ hội cho gạo Việt
Theo đánh giá từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nếu lệnh cấm của Ấn Độ được thực thi, giá gạo trên toàn cầu sẽ tăng đột biến vì quốc gia này là nhà XK gạo lớn nhất thế giới. Giá gạo phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung, cung khan hiếm sẽ đẩy giá lên cao, vấn đề này đã từng xảy ra vào năm 2008.
6 tháng đầu năm nay, XK gạo đạt hơn 4,2 triệu tấn, trị giá 2,26 tỷ USD. |
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời đánh giá, đây sẽ là cơ hội cho gạo Việt Nam và Thái Lan bán được giá cao hơn. Cơ hội này cũng tạo điều kiện để khách hàng quốc tế nhìn nhận Việt Nam là một nguồn cung cấp lương thực ổn định, đáng tin cậy cho nhu cầu lương thực thế giới.
Thực tế, chưa cần chờ tới việc Ấn Độ cấm XK gạo, nguồn cung gạo trên thế giới giảm, El Nino đã khiến nhiều quốc gia đua nhập khẩu gạo Việt. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy 6 tháng đầu năm nay, XK gạo đạt hơn 4,2 triệu tấn, trị giá 2,26 tỷ USD, tăng trên 21% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong tháng 6, giá gạo XK đạt bình quân 650 USD/tấn, tăng 9,4% so với tháng 5 và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng, giá gạo XK ước đạt 539 USD/tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ, mức cao nhất 10 năm qua.
Theo Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), trong 5 năm gần đây (2018 - 2022), XK gạo duy trì khối lượng trên 6 triệu tấn và có xu hướng tăng trưởng qua các năm (lần lượt đạt 6,1 triệu tấn, 6,36 triệu tấn, 6,24 triệu tấn, 6,23 triệu tấn và 7,1 triệu tấn) với giá trị XK trên 3 tỷ USD mỗi năm.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo năm 2023, Việt Nam tiếp tục đứng thứ ba thế giới về XK gạo với khối lượng 7,2 triệu tấn, tăng so với 7,05 triệu tấn của năm 2022. Dự báo XK gạo của Việt Nam được nâng lên do XK sang Philippines, Trung Quốc và Indonesia cao hơn dự kiến.
Theo Cục Thống kê Trung ương Indonesia, nước này đã nhập khẩu 600.337 tấn gạo trong 4 tháng đầu năm nay, tăng 10 lần so với 61.486 tấn của cùng kỳ và vượt xa khối lượng 429.207 tấn của cả năm ngoái. Thái Lan và Việt Nam là hai nhà cung cấp gạo hàng đầu cho Indonesia.
Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu gạo từ Việt Nam tăng mạnh đến 93,2% về lượng và 116% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 445.237 tấn với trị giá 260 triệu USD. Việt Nam trở thành nước XK gạo lớn nhất vào Trung Quốc, thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng lên mức 33% từ 10,3% của cùng kỳ.
“Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Úc và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông tạo ra cơ hội gia tăng XK các loại gạo chất lượng cao khi người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam”, Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường cho biết.
Hạt lúa phải làm giàu cho nông dân
Tuy nhiên, cơ quan này cũng chỉ ra những khó khăn mà XK gạo Việt Nam phải đối mặt như: Sản xuất lúa gặp nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, xâm nhập mặn; liên kết tiêu thụ lúa gạo hạn chế; cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ bảo quản, chế biến lúa gạo thiếu, làm tăng tổn thất và giảm chất lượng trong quá trình bảo quản; giá vật tư đầu vào tăng cao, dịch bệnh, lạm phát, tác động xung đột Nga - Ukraine… thách thức mục tiêu XK 8 triệu tấn gạo trong năm nay,
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, XK gạo 6 tháng cuối năm 2023 sẽ tiếp đà tăng trưởng khi cầu vượt cung, các thị trường lớn của Việt Nam, điển hình như Indonesia vẫn đang mở thầu mua gạo dự trữ. Tuy nhiên, XK gạo năm 2023 sẽ khó đạt mốc kỷ lục 8 triệu tấn bởi chúng ta phải đảm bảo có một lượng dự trữ tồn kho, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cân đối nguồn cung XK những tháng đầu năm 2024.
Quan trọng hơn, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu xa hơn của ngành lúa gạo là thị trường bền vững, giá trị thu về cao hơn, thay vì chạy theo số lượng. Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận cho biết, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải có thể đem lại 9 triệu tấn gạo chất lượng cao/năm. Ngay sau khi Việt Nam công bố đề án, Philippines đã muốn đặt hàng 3 triệu tấn, Indoneisa 1 triệu tấn.
Khách đặt mua gạo không thiếu, tuy nhiên mỗi thị trường lại có tiêu chuẩn nhất định. Do vậy, lãnh đạo Lộc Trời cho rằng, Bộ NN&PTNT cần đưa ra các tiêu chí cụ thể, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc để cả nông dân và doanh nghiệp (DN) đều phải tuân thủ.
Chưa kể, ông Thuận cũng lưu ý vấn đề DN thiếu thông tin, nên tận dụng cơ hội còn hạn chế. Ông dẫn chứng ở Ý và Pháp lâu lâu mới nhận được thông tin họ thiếu nước không sản xuất được, phải tăng nhập khẩu nhưng chúng ta bị chậm thông tin dẫn đến việc khó gia tăng XK gạo vào những thị trường này.
Còn theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, gạo Việt muốn nâng cao thị phần tại các thị trường, buộc phải cạnh tranh được bằng giá, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, thương hiệu và uy tín. Phó Chủ tịch VFA kỳ vọng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ cải thiện chất lượng mặt hàng XK này, bởi khi có gạo ngon, chúng ta có quyền lựa chọn thị trường.
Về định hướng phát triển ngành lúa gạo trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật các tiêu chuẩn trong chuỗi giá trị gạo phù hợp với thị trường quốc tế; Cập nhật thông tin, hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng; hỗ trợ bảo quản, chế biến, chất lượng, an toàn, truy xuất nguồn gốc; Tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” và sớm trình Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050”.
Ông Lê Minh Hoan Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Chúng ta hãy nhìn sản xuất lúa gạo của Nhật Bản, từ trồng trọt đến thu hoạch và chế biến các sản phẩm từ gạo. Khi Việt Nam mới chỉ trồng lúa và XK gạo, người Nhật làm kinh tế ngành hàng lúa gạo, tức từ lúa sang gạo, sản phẩm sau gạo là bột, sau bột là bánh. Vì vậy, các DN không nên khóa chặt ở từ khóa truyền thống là gạo mà cần tính tới các sản phẩm giá trị gia tăng, từ đó người nông dân và DN mới có thể phát triển bền vững. Ông Nguyễn Như Cường Cục trưởng Cục Trồng trọt Xu thế phát triển của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là đô thị hóa, công nghiệp hóa đẩy mạnh sẽ tiếp tục làm thu hẹp diện tích lúa. Có thể nói, lúa là cây trồng chịu tác động mạnh của sự chuyển đổi diện tích sang lĩnh vực khác. Do vậy, phát triển ngành lúa gạo cần phải gắn với tiến bộ khoa học công nghệ về chọn tạo giống, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, chủ động lương thực cũng như XK, chất lượng gạo Việt cần được cải thiện để đảm bảo giá bán cạnh tranh, cao hơn các quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan. Ông Phạm Thái Bình Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Việt Nam hiện có khoảng 200 DN nằm trong top tương đối lớn về XK gạo. Các DN nên chọn lọc sản phẩm – phân khúc – thị trường theo khả năng và quy mô DN của mình, phù hợp với thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng, địa bàn liên kết canh tác. Chúng ta phải sản xuất sản phẩm theo nhu cầu người tiêu dùng chứ không thể bán những gì chúng ta có sẵn – sản phẩm phổ thông bán được nhưng giá trị không cao và đầu ra bấp bênh. Nói thật, gạo Việt dù luôn XK sản lượng lớn – đứng thứ 2 hoặc thứ 3 thế giới, song có năm bán được, có năm phải giải cứu, trong khi gạo sạch, an toàn năm nào cũng không đủ để đáp ứng cho các thị trường cao cấp, khó tính. |
Nhật Linh