Ghi nhận vào ngày 24/7 ở tỉnh An Giang cho thấy giá thu mua của thương lái đối với lúa OM 5451 là 6.700 - 6.800 đồng/kg, với lúa IR 5040 là 6.700 - 6.900 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 là 6.800 - 7.000 đồng/kg. Còn giá bán gạo tại chợ, như gạo thường là 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo thơm Jasmine là 14.000 - 15.000 đồng/kg, gạo Sóc thường là 14.000 - 15.000 đồng/kg, gạo Sóc Thái là 17.000 - 18.000 đồng/kg.
Một nửa niềm vui
Ngoài bảng giá nêu trên, theo một số thông tin cho thấy giá gạo trắng thông dụng 5% tấm (OM18, IR50401) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đã tăng thêm 500 đồng/kg gạo nguyên liệu. Và tính ra từ khi Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu (XK) gạo hôm 20/7 thì đến nay đã phần nào tác động làm cho giá gạo ở Việt Nam tăng 1.000 đồng/kg.
Việc Ấn Độ cấm XK gạo mang lại lợi thế lớn cho Việt Nam nhưng các DN chế biến lúa gạo trong nước và nông dân mới chỉ có “một nửa niềm vui” trước những khó khăn về vốn vay. |
Giá lúa gạo trước xu hướng tăng mang lại niềm vui cho các nông dân ở “vựa lúa” ĐBSCL. Tuy nhiên, để niềm vui này được hiện thực hóa lại không hề đơn giản.
Như vào trung tuần tháng 7/2023, khi ban hành công văn về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, UBND Tp. Cần Thơ có lưu ý giá cả đầu vào tăng cao là một trong những khó khăn, hạn chế cho XK gạo. Ngoài ra, còn có những vấn đề khác như chiến lược thị trường chưa thực sự ổn định, dài hạn; công tác phát triển thị trường chưa tương xứng với tiềm năng ngành hàng; sự cạnh tranh gay gắt từ các nước XK gạo…
Thành phố này cũng nhấn mạnh đến việc cần hỗ trợ nông dân, thương nhân ngành hàng lúa gạo trong việc đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh.
Bên cạnh đó, cần nhắc đến vấn đề DN chế biến XK vẫn đang gặp khó về vốn vay, khâu thủ tục và lãi suất cho vay từ phía ngân hàng. Trong phản ánh gần đây, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (ở Cần Thơ) có bày tỏ băn khoăn là với yêu cầu cần khoảng vài tỷ đồng mỗi ngày để thu mua lúa cho nông dân thì buộc phải vay ngân hàng mới đáp ứng được. Thế nhưng DN đã phải 'bó tay' khi mà phía ngân hàng không cho dùng lúa để thế chấp cho vốn vay.
Trước xu hướng tăng giá lúa gạo trong nước từ “hiệu ứng” cấm XK gạo của Ấn Độ, nhiều DN chế biến gạo cho biết là họ đang đau đầu vì giá XK không theo kịp giá lúa của nông dân nên họ hạn chế, thậm chí tạm dừng ký đơn hàng mới để lo hợp đồng cũ. Áp lực khó khăn cho các DN XK gạo vào lúc này là vừa thiếu vốn vừa chưa thể có đủ nguồn hàng trong kho để đáp ứng theo các hợp đồng đã ký trước.
“Cơm dọn sẵn lên bàn mà không được ăn”
Các DN ngành hàng lúa gạo lo lắng cũng phải khi mà họ đang gặp những rào cản về vốn và tín dụng, thiếu vốn để thu mua lúa. Và trước tình hình giá gạo đang tăng cao nên lượng thu mua lúa gạo về các kho của DN tương đối ít. Cho nên cái phấn khởi của nông dân mới chỉ là “một nửa niềm vui” vì phải chờ vào động tác thu mua của các DN như thế nào. Chuyện này thì cả nông dân và DN đang chung một hoàn cảnh là không có tiền nên “cơm dọn sẵn lên bàn mà không được ăn”.
Trong khi đó, theo số liệu tổng hợp, lượng XK gạo của Việt Nam từ ngày 1/7 đến 15/7/2023 đã đạt 249.273 tấn, trị giá 135,449 triệu USD, so với cùng kỳ về số lượng giảm 22,84% và về trị giá giảm 15,18%. Còn nếu tính lũy kế XK gạo từ đầu năm đến ngày 15/6/2023 đạt 4,483 triệu tấn, trị giá 2,390 tỷ USD, so với cùng kỳ 2022 tăng 17,48% về số lượng và tăng 28,04% về trị giá.
Để tiếp thêm động lực cho XK gạo trong thời gian tới trước xu hướng giá lúa gạo tăng, giới phân tích khuyến nghị các ngân hàng thương mại nên có thêm những chính sách cởi mở về vốn vay cho các DN chế biến gạo, từ việc tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng khâu thủ tục, giảm một số loại phí ngân hàng. Và có thể thì nên có chính sách cho DN được vay tín chấp khi đến vụ thu hoạch lúa hoặc là một chương trình triển khai gói tín dụng đối với lĩnh vực XK lúa gạo.
Từ vấn đề tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho ngành hàng lúa gạo cũng nên liên hệ đến Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng, thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn.
Theo chuyên gia phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất vay 1- 2% và cấp hạn mức nới thêm sẽ là hỗ trợ quan trọng để các DN ngành lâm, thủy sản - vốn phải dành chi phí lớn để vận hành kho bãi, bảo quản hàng tồn kho “dễ thở” hơn.
Nhất là các DN chế biến XK thủy sản sẽ có điều kiện để tăng thu mua nguyên liệu, vừa giúp chính DN ổn định nguồn nguyên liệu để chế biến, trữ hàng phục vụ XK trong các quý tiếp theo, vừa giúp nông dân yên tâm tiếp tục nuôi trồng giữ vững chuỗi sản xuất, sẵn sàng cho đến khi các thị trường nhập khẩu phục hồi sức mua.
Nhìn vào chương trình của lĩnh vực lâm sản, thủy sản này sẽ thấy đây cũng là điều mà các DN chế biến XK gạo đang cần để có tăng thu mua lúa gạo cho nông dân và giúp cho DN chủ động được nguồn hàng trong kho để đáp ứng các đơn hàng, cũng như chủ động được XK, mạnh dạn ký các đơn hàng mới.
Điều quan trọng khi ra những chương trình triển khai các gói tín dụng như vậy, đòi hỏi cần phải triển khai nhanh chóng ngay với các thủ tục đơn giản hơn nữa. Có như vậy mới có động lực tiếp thêm sức mạnh cho DN vượt qua những thời điểm khó khăn, từ đó tăng sức cạnh tranh cho XK gạo và thủy sản trong thời gian tới.
Thế Vinh