Phiên 25/7, cổ phiếu nhóm ngành gạo tiếp tục bứt phá với hầu hết các mã tăng giá tích cực như cổ phiếu VSF (Tổng công ty lương thực miền nam) và AGM (xuất nhập khẩu An Giang) đều tăng trần; BLT (lương thực Bình Định) tăng 7,2%; cổ phiếu TAR (công nghệ Cao Trung An) tăng 4%; AFX (nông sản thực phẩm An Giang) tăng 0,7%...
Cổ phiếu gây ấn tượng
Nhìn chung, trong 5-6 phiên gần đây, nhiều cổ phiếu nhóm ngành gạo đã tăng liên tục, với mức tăng mỗi mã lên đến 20%, thậm chí một số mã còn tăng mạnh từ 23-34%.
Chẳng hạn, cổ phiếu LTG (Lộc Trời) đã tăng gần 24% chỉ trong 5 phiên trở lại đây, từ 33.300 đồng/cp lên hơn 37.900 đồng/cp; cổ phiếu TAR cũng tăng khoảng 23%, từ 17.400 đồng/cp lên 20.900 đồng/cp; cổ phiếu VSF tăng trần 2 phiên liên tiếp (+29%) lên 9.800 đồng/cp…
Cổ phiếu ngành gạo đang trở thành hiện tượng khi ghi nhận đà bùng nổ liên tục. |
Đánh giá về sự bứt phá của nhóm cổ phiếu gạo trong vài phiên gần đây, giới phân tích cho rằng diễn biến tích cực này chủ yếu đến từ kỳ vọng hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới sẽ hưởng lợi lớn khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đột ngột cấm xuất khẩu toàn bộ gạo tẻ.
Theo một số chuyên gia và thương nhân kinh doanh gạo quốc tế, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và của một số nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á có thể đạt mức trung bình 600 USD/tấn, thậm chí lên đến 700 USD/tấn đối với các loại gạo chất lượng cao trong thời gian tới do tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng trên toàn cầu.
Đồng thời, các khách hàng mua gạo trước đây của Ấn Độ giờ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế, nhất là từ các nước có nguồn cung nhỏ lẻ. Do đó, Việt Nam nổi lên là ứng viên sáng giá nhất đáp ứng “khoảng trống” thị trường do Ấn Độ để lại.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng khoảng 15% so với thời điểm đầu năm, và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt trung bình 539 USD/tấn (trong 6 tháng đầu năm nay). Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Qua đó, tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu gạo trên thị trường chứng khoán.
“Nhà đầu tư kỳ vọng hoạt động xuất khẩu gạo trong nước sẽ tăng lên, giúp gia tăng lợi nhuận cho các công ty kinh doanh gạo vào cuối năm nên kéo giá cổ phiếu ngành này tăng vọt”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận xét.
Tiếp tục hưởng lợi từ xuất khẩu
Thực tế, không chỉ những phiên gần đây nhóm cổ phiếu gạo có diễn biến tích cực, mà nhóm cổ phiếu này vẫn đang duy trì xu hướng tăng tốt từ trước.
Xét từ vùng đáy tháng 11/2022 tới nay, hầu hết các mã cổ phiếu gạo đều tăng trưởng mạnh về giá với mức tăng hàng chục %, thậm chí tăng bằng lần. Có thể kể đến như PAN tăng 80%; LTG, TAR còn gấp đôi vùng đáy; VSF gây ấn tượng khi gấp gần 3 lần,…
Nhờ đó, các cổ phiếu kể trên nhanh chóng chạm mức giá cao nhất trong vòng hơn 10 tháng, thậm chí lên vùng giá cao nhất gần 2 năm. Đáng chú ý, cổ phiếu BLT còn phá đỉnh lịch sử khi kỷ lục cũ vừa thiết lập gần đây.
Theo phân tích của Ngân hàng Fitch Solutions - một tổ chức xếp hạng thống kê lớn của Mỹ, thị trường gạo toàn cầu sẽ thiếu hụt 8,7 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, mức cao nhất trong vòng 20 năm.
Sản lượng gạo giảm ở khắp nơi từ Trung Quốc, Pakistan đến Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) do tác động của xung đột Nga - Ukraine và thời tiết hủy hoại mùa màng.
Điều kiện này buộc nhiều quốc gia tăng mua gạo để dự trữ. Tại cuộc họp về xuất khẩu gạo đầu tháng 7, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết xuất khẩu gạo đang rất thuận lợi, đặc biệt cuối năm bởi các thị trường lớn như Trung Quốc, Philippines, Malaysia… vẫn mua mạnh.
Dự báo triển vọng ngành gạo từ nay tới cuối năm, một số công ty chứng khoán kỳ vọng giá có thể tăng do giá gạo tiếp tục tăng, nhiều đối tác có thể tìm nguồn hàng mới từ Việt Nam do đồng baht của Thái Lan tăng giá.
Trong bối cảnh thế giới thiếu hụt nguồn cung gạo thì Việt Nam lại có tình hình thủy văn ổn định trong năm 2022 với mưa nhiều và chuyển dần sang trung tính trong nửa đầu năm 2023, cho ra sản lượng ổn định. Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) dự báo sản lượng gạo Việt Nam vẫn đạt 29 triệu tấn, cao hơn con số 20 triệu tấn của Thái Lan.
Bên cạnh đó, giá phân bón giảm dần giúp cải thiện biên lợi nhuận. Giá khí đốt (nguyên liệu đầu vào của phân bón) hạ nhiệt nhờ các nước châu Âu nới lỏng lệnh trừng phạt và mở cửa cho các nhà xuất khẩu phân bón Nga. Ngoài ra, mùa Đông ở châu Âu dự báo ôn hòa hơn, Trung Quốc nới lỏng hạn ngạch xuất khẩu phân bón từ tháng 6/2022 giúp bổ sung nguồn cung phân bón trên thế giới.
Bên cạnh đó, lãi suất giảm và đi vào thực tiễn từ nửa cuối năm giúp giảm bớt áp lực chi phí tài chính cho các doanh nghiệp gạo. Đa phần doanh nghiệp gạo đều giảm mạnh lợi nhuận quý I do chi phí lãi vay tăng cao.
Trong báo cáo cập nhật mới đây, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định Việt Nam sẽ đón nhận những xu hướng tích cực từ chu kỳ thắt chặt nguồn cung lương thực. Theo đó, TPS kỳ vọng mảng xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục hưởng lợi từ mức gia tăng nhập khẩu của các đối tác quốc tế. Đặc biệt từ các nước ghi nhận mức nhập khẩu tăng đột biến từ Việt Nam trong 2023 như Philipines và Trung Quốc.
“Ngành gạo Việt Nam đang đứng trước nhiều thuận lợi như: nguồn cung lương thực thế giới đang thiếu hụt, diện tích trồng lúa gạo tại nhiều quốc gia bị thiệt hại và hạn hán do sự xuất hiện của El Nino đẩy giá gạo lên cao. Giá xuất khẩu gạo tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2023 được kỳ vọng là thông tin tích cực đối với các doanh nghiệp ngành gạo”, báo cáo nêu.
Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng đưa ra lưu ý, giá gạo tăng không phải là tin vui đối với tất cả các doanh nghiệp có liên quan tới mặt hàng này. Điển hình như Safoco (SAF), doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ gạo như nui, bánh tráng, hủ tiếu, mì khô,… Giá gạo tăng cao khiến chi phí đầu vào tăng mạnh, từ đây sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Hải Giang