Tính đến sáng 23/5/2023, Công ty Mua bán điện (thuộc EVN) và các chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã thống nhất mức giá tạm cho 20/85 dự án; trong đó có 15 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt mức giá tạm.
Việc chưa có hướng dẫn cụ thể đang khiến quá trình đàm phán vận hành thương mại của các dự án điện sạch chuyển tiếp gặp khó. |
Tuy nhiên, các chủ đầu tư còn phải hoàn thiện nhiều quy định liên quan đến hồ sơ pháp lý và các vướng mắc trong hợp đồng mua bán điện cần sớm được tháo gỡ mới có thể huy động nguồn điện này.
Cụ thể, theo 23 nhà đầu tư, họ đang rất chờ đợi Bộ Công Thương sẽ có văn bản chỉ đạo EVN đàm phán với các chủ đầu tư với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới. Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá thì sẽ được thanh toán theo giá chính thức kể từ ngày phát lên lưới điện.
Nội dung này cũng nằm trong Thông báo 182/TB-VPCP ngày 17/5/2023 sau cuộc họp của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và 23 nhà đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp liên quan đến đàm phán giá bán điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng xong chưa được vận hành.
Theo đó, đối với các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương có văn bản chỉ đạo trước ngày 20/5/2023.
Tuy nhiên, tới ngày 23/5/2023, Bộ Công thương vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chỉ đạo nội dung này của Thông báo 182. Do vậy, trong quá trình đàm phán sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện (PPA) cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp trong những ngày vừa qua tiếp tục gặp vướng mắc.
Chia sẻ với VnBusiness, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận cho biết, đáng lẽ những khó khăn này EVN phải "kêu" giúp doanh nghiệp vì EVN đang muốn ký hợp đồng với doanh nghiệp thì phải có trách nhiệm kiến nghị chứ không phải các nhà đầu tư "kêu cứu".
Một trong những vướng mắc nhất hiện nay là nếu tính giá mua điện tạm thời bằng 50% giá trần của khung giá phát điện thì câu hỏi tiếp đó là có cho "hồi tố" hay không - "tức là hôm nay ký hợp đồng tạm tính giá là 50%, vậy 3 tháng sau ký hợp đồng chính thức, lúc đó giá quy định là bao nhiêu thì phải được truy thu từ khi ký hợp đồng tạm tính", ông Thịnh nói.
23 nhà đầu tư trên cũng cho biết, cụ thể giá mua điện tạm thời bằng 50% giá trần của khung giá phát điện theo Quyết định số 21/QĐ-BCT và áp dụng cho đến khi có giá mua điện chính thức. Khi có giá mua điện chính thức, bên mua điện và bên bán điện sẽ đàm phán và thống nhất giá mua điện chính thức. Sau khi thống nhất giá chính thức, sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới.
Theo các nhà đầu tư, việc sớm sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành xây dựng, đủ điều kiện phát điện, góp một phần giải quyết vấn đề thiếu điện đang rất cấp bách hiện nay cũng rất rõ ràng.
Trước đó, EVN cho biết, số hồ thủy điện về mực nước chết hoặc xấp xỉ mực nước chết tiếp tục tăng, hệ thống điện không còn công suất dự phòng, cả nước có nguy cơ thiếu điện.
Thy Lê