Những ngày qua, Việt Nam đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài với nền nhiệt có nơi lên tới 40 độ C. Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân và doanh nghiệp cao hơn, đồng thời làm mực nước ở các hồ thủy điện bị suy giảm nghiêm trọng dẫn đến việc cung cấp điện vô cùng khó khăn.
Nguy cơ thiếu điện
Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI), sản lượng tiêu thụ điện trung bình ngày trong tháng 5 (tính đến 18/5) là 68,172 triệu kWh, tăng khoảng 10,7% so với tháng 4 (58,336 triệu kWh). Công suất đỉnh (Pmax) được ghi nhận vào lúc 22h ngày 18/5 là 4.546 MW, cao nhất từ đầu năm.
Lưới điện phân phối có thể xảy ra tình trạng quá tải trong cao điểm mùa nắng nóng do nhu cầu phụ tải tăng đột biến. |
EVNHANOI cho biết, sản lượng điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng trên 53% sản lượng điện của EVNHANOI. Do đó, lưới điện phân phối có thể xảy ra tình trạng quá tải trong cao điểm mùa nắng nóng do nhu cầu phụ tải tăng đột biến.
Ngoài ra, hiện tượng nắng nóng đã làm cho các hồ thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện, mực nước tại nhiều hồ thủy điện trên cả nước hầu hết đều trong tình trạng thấp hoặc dưới mực nước chết nên việc sản xuất điện gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống điện có thể phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống và lúc đó sẽ phải tính đến phương án cắt điện, sa thải phụ tải.
Theo dự báo, trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, 6 và 7), việc vận hành hệ thống điện sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600 - 4.900 MW.
EVNHANOI cho biết, đã chuẩn bị trước cho các tình huống nắng nóng kéo dài bằng các phương án cải tạo, nâng công suất, san tải. Tuy nhiên, vào những khung giờ cao điểm của hệ thống điện, nguy cơ quá tải cục bộ gây mất điện vẫn tiềm ẩn.
Trước tình hình trên, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp trước mắt để bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tổng công suất các nguồn điện của hệ thống điện quốc gia hoàn toàn có thể đáp ứng tổng nhu cầu, không thiếu hụt trong dài hạn. Tuy nhiên, việc cung ứng điện có thể thiếu hụt cục bộ và ngắn hạn từ nay tới ngày 25/5.
Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp trước mắt với yêu cầu từ nay tới ngày 25/5, không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp đầy đủ than cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong nước, cần bao nhiêu thì cung cấp bấy nhiêu.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia bảo đảm cung cấp khí, dầu cho các nhà máy nhiệt điện chạy khí và dầu. Tiến hành đàm phán theo giá tạm tính với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng và có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia.
Tiết kiệm điện được xem là một trong những giải pháp cấp bách nhất hiện nay. Điều này được Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh trong một cuộc họp về kế hoạch đảm bảo cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia cao điểm nắng nóng năm 2023. Theo đó, tiết kiệm điện được xem là nhiệm vụ thường xuyên và là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Tuy nhiên, trước tình hình căng thẳng hiện nay, tiết kiệm điện trước hết là mệnh lệnh với tất cả cán bộ, công nhân viên ngành điện.
Trong một văn bản gửi các sở ban ngành, UBND quận huyện của TP.HCM mới đây, cán bộ và người dân được yêu cầu cần hạn chế mặc áo vest trọng khi làm việc để tiết kiệm điện. Ngoài ra, các đơn vị khác như trường học, cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất, cơ sở công nghiệp, trung tâm thương mại cũng được đề nghị hạn chế sử dụng 50% thang máy. Đối với máy lạnh cần để ở mức 26 độ C trở lên, mở trễ hơn giờ làm việc 1 tiếng và tắt sớm hơn 1 tiếng. Tắt và hạn chế đèn hành lang, đèn bãi xe...
"Bão nhiệt" bao trùm châu Á
Không chỉ ở Việt Nam, hiện tượng nắng cũng đang bao trùm và gây nguy cơ thiếu hụt điện ở nhiều nước châu Á khác.
Tại Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, các đợt nắng nóng đã khiến nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, khi mọi người tăng cường bật máy điều hòa không khí và thiết bị làm mát. Tình trạng này gây thêm áp lực lên hệ thống điện và làm tăng nguy cơ mất điện.
Cơ quan Khí tượng Ấn Độ cho biết dự kiến nhiệt độ tối đa hàng tháng sẽ cao hơn mức bình thường ở các khu vực phía Đông. Các vùng phía Đông Bắc Ấn Độ cũng sẽ chứng kiến tình trạng thời tiết khắc nghiệt hơn.
Đối với hàng triệu người phải làm việc ngoài trời ở quốc gia đông dân nhất thế giới này, nhiều người lao động không có đủ thiết bị để bảo vệ sức khỏe. Sức nóng thiêu đốt có thể dẫn đến giảm năng suất và thậm chí có thể gây chết người. Nhiệt độ không phải là yếu tố duy nhất khiến sóng nhiệt trở nên nguy hiểm. Độ ẩm cũng có thể gây tử vong khi cơ thể con người không thể tự làm mát bằng cách đổ mồ hôi.
Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng nắng nóng. Viện Nghiên cứu Năng lượng Lưới điện Nhà nước Trung Quốc tuần trước cho biết tình hình cung cấp điện sẽ bị thắt chặt vào mùa hè này. Các tỉnh miền Trung, miền Đông và Tây Nam có khả năng bị thiếu điện trong thời kỳ nhu cầu cao nhất.
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã chuẩn bị ứng phó với nắng nóng gây thiếu điện bằng cách đẩy mạnh sản xuất than đá - nguồn điện quan trọng nhất - ngay cả khi các công ty điện lực đã bổ sung lượng điện gió và mặt trời ở mức kỷ lục.
Tỉnh Vân Nam của nước này cũng đang đối mặt với hạn hán. Năm ngoái, nhiệt độ cực cao và ít mưa đã làm cạn kiệt sông Dương Tử, với lượng nước đạt mức thấp nhất được ghi nhận ở một số khúc sông, dẫn tới thiếu điện trầm trọng ở những khu vực phụ thuộc vào thủy điện. Giới chức địa phương khi đó đã phải cắt giảm nguồn cung cấp điện cho các nhà máy để đảm bảo người dân có thể chạy điều hòa không khí ở nhà. Toyota Motor Corp và Honda Motor Co nằm trong số các công ty bị ảnh hưởng.
Tại Bangladesh, thủ đô Dhaka cũng vừa trải qua ngày nóng nhất trong gần 60 năm. Nóng cực độ đang dẫn đến nhu cầu điện tăng cao, gây ra tình trạng cắt giảm và thiếu điện cho hàng triệu người dân nước này.
Thành phố Tak ở Thái Lan có lúc đo được mức nhiệt cao chưa từng thấy là 45,4 độ. Nắng nóng kỷ lục cũng khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt ở Thái Lan.
Ông Prasertsak Cherngchawano, phó lãnh đạo của công ty điện lực nhà nước Thái Lan, cho biết: "Chúng tôi đang ở cao điểm mùa hè khi nhu cầu điện thường ở mức cao. Chúng tôi cho rằng nhu cầu này sẽ còn duy trì như thế từ nay cho đến tháng 5".
Theo tạp chí The Diplomat, tình trạng hạn hán do thời tiết nắng nóng năm nay được dự báo có thể sẽ gây tác động tiêu cực cho khoảng 70 triệu người sống nhờ vào sông Mekong, đồng thời cũng sẽ làm tăng áp lực ngoại giao lên các nước có quy mô xây dựng đập thủy điện khổng lồ trong hai thập niên qua trong khu vực.
Hoa Vũ