Ngày 22/5, UBND TP Móng Cái cho biết đã cắt điện toàn thành phố trong khoảng 3 giờ để hoàn tất đấu nối, vận hành đường dây 110Kv Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) phục vụ cho việc mua điện trong thời gian tới.
TP. Móng Cái cắt điện để đấu nối đường dây 110kv Móng Cái- Đông Hưng. |
Theo đó, Tổng công ty Điện lực miền Bắc ngày 22/5 đã có buổi làm việc với Công ty lưới điện Quảng Tây (Trung Quốc) để đàm phán, thương thảo chi tiết về hợp đồng mua bán điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam với Công ty lưới điện Quảng Tây.
Công ty Lưới điện Quảng Tây nhất trí với phương án bán điện qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái do phía Việt Nam đề xuất. Dự kiến ngày 23/5, hai bên ký kết hợp đồng mua bán điện và vào 0h ngày 24/5 sẽ đóng điện từ phía Thâm Câu (Trung Quốc) sang Việt Nam.
Theo thỏa thuận, phía Trung Quốc sẽ cấp điện cho Việt Nam với tổng công suất tối đa 70MW và 30 triệu kWh/tháng. Trong các tháng 5, 6 và 7/2023, phần điện nhận từ nguồn Trung Quốc sẽ được cấp cho trạm 110kV Móng Cái, TP Móng Cái và 110kV Quảng Hà, huyện Hải Hà, thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Như vậy, toàn bộ TP Móng Cái và huyện Hải Hà sẽ sử dụng điện từ phía Trung Quốc cấp, qua đó góp phần giảm tải khó khăn về nguồn của hệ thống điện phía Bắc.
Trước đó, năm 2005 - 2016, Tổng công ty Điện lực miền Bắc cũng đã thực hiện mua điện từ Trung Quốc qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái.
Bên cạnh nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sẽ đẩy mạnh nhập khẩu điện từ Lào qua cụm nhà máy thủy điện Nậm Kông, dự kiến sẽ vận hành thương mại từ ngày 22/5; qua cụm nhà máy thủy điện Nậm San hoàn thành đóng điện và hòa lưới quốc gia vào ngày 22/5.
Theo Bộ Công Thương, thời gian gần đây, thị trường năng lượng thế giới diễn biến rất phức tạp, giá năng lượng tiếp tục bị đẩy lên mức cao; trong khi đó ở nước ta do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước kéo dài, làm cho lưu lượng nước về các hồ thủy điện trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam đều giảm mạnh so với cùng kỳ nhiều năm trước. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến khả năng phát điện của các nhà máy thuỷ điện (các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tiếp tục có nước về kém), tính đến ngày 11/5/2023, tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn ở khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua.
Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm, một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện. Bên cạnh đó, công suất và sản lượng của các nhà máy điện gió cũng suy giảm sâu do gió kém nên chỉ đạt 5,6% so với công suất lắp đặt của các nhà máy.
Đặc biệt, từ cuối tháng 4 đến nay, thời tiết nắng nóng diễn ra khắc nghiệt trên diện rộng với nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc tăng cao. Trong đó, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng dân dụng (phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia ngày 19/5 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục mới ~924 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 10,5% so với cùng kỳ tháng 05/2022; công suất tiêu thụ cực đại đạt 44.600 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 8,5% so với cùng kỳ tháng 05/2022), gây nguy cơ thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng nếu không có những giải pháp kịp thời, quyết liệt hơn.
Thy Lê