Trước nguy cơ thiếu khí cho sản xuất điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hỗ trợ, ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện trong 2 tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6).
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định không thiếu phân bón nếu phải dừng 2 nhà máy sản xuất phân đạm. |
Trong đó, EVN đề nghị nhà máy đạm Phú Mỹ và Cà Mau xem xét cho ngừng toàn bộ nhà máy để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho đến hết tháng 5.
Liên quan tới đề nghị này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, thẩm quyền quyết định dừng hay không dừng 2 nhà máy đạm thuộc Bộ Công Thương, và Bộ NN&PTNT chỉ có trách nhiệm cho ý kiến.
Tuy vậy, ông Hoàng Trung cũng thông tin, trong năm 2022, công suất của hai nhà máy này rất lớn. Cụ thể, mỗi nhà máy có công suất trên 900.000 tấn và tồn kho khoảng 20.000 tấn. Trong khi đó, tổng lượng phân đạm xuất khẩu năm 2022 là 798.000 tấn.
"Thẩm quyền đồng ý dừng hay không dừng 2 nhà máy đạm không phải của Bộ NN&PTNT. Nhưng nếu thiếu điện nghiêm trọng mà cần thiết phải dừng sản xuất phân bón, đơn vị sẽ có báo cáo với lãnh Bộ", ông Hoàng Trung nói.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, với số liệu trên thì lượng phân bón, đặc biệt là phân đạm để cung cấp cho sản xuất nông nghiệp hoàn toàn đủ.
Trong khi đó, phản hồi về đề nghị của EVN, PVN cho biết, việc lập kế hoạch cho nhu cầu sử dụng khí cũng như kế hoạch về bảo dưỡng, bảo trì các nhà máy đạm để tối ưu nguồn cung cấp khí được các bên phối hợp thực hiện và thống nhất tuân thủ theo các quy định chặt chẽ của các hợp đồng mua bán khí có cam kết dài hạn.
"Chủ sở hữu của các nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau là các công ty cổ phần nên các hoạt động ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, các trường hợp dừng/giảm cấp khí dài hạn theo kế hoạch, đều phải được thông qua Đại hội đồng cổ đông của các công ty này trước khi thực hiện", PVN cho biết.
Bên cạnh đó, việc dừng/giảm cấp khí ngoài kế hoạch cho các nhà máy đạm Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm phát sinh nhiều hệ lụy đến các bên liên quan và sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận, thiện chí, sự hợp tác chia sẻ của cổ đông các nhà máy đạm.
Thêm nữa, PVN cho rằng, việc dừng/giảm khí thiên nhiên của các nhà máy đạm cũng không giúp nhiều (gần 1%) cho việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia.
Thy Lê