Tại Hội thảo “Công bố kết quả nghiên cứu sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam” ngày 11/3, Ts. Nguyễn Mạnh Hải, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết Việt Nam đã ban hành và áp dụng một số chính sách thuế liên quan đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững phù hợp với thông lệ quốc tế.
Mức thuế có thấp?
Chính sách thuế liên quan đến mục tiêu tăng trưởng xanh ở Việt Nam bao gồm cả chính sách ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh; chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đến môi trường.
Cụ thể, Việt Nam có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải; khuyến khích sản xuất tiêu dùng xanh thông qua chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) như áp dụng mức thuế suất thấp hơn đối với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học; áp dụng mức thuế suất thấp nhất là 7% áp dụng đối với xăng sinh học E10 và 8% đối với xăng sinh học E5 (so với mức thuế suất 10% áp dụng đối với xăng khoáng)…
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra chính sách ưu đãi về thuế vẫn chưa đủ mạnh để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh. Đặc biệt, chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường chưa phù hợp thực tiễn, số thu từ các sắc thuế này chưa tương xứng với những tổn hại do hoạt động sản xuất, tiêu dùng gây ra (thuế BVMT, thuế tài nguyên, thuế TTĐB…).
Đơn cử, từ 1/1/2019, thông qua chính sách thuế BVMT, các đối tượng chịu thuế BVMT gồm xăng, dầu, mỡ nhờn; than đá; túi nilon; thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng…, tuy nhiên mức thuế đối với những đối tượng này còn khá thấp.
Chẳng hạn, túi nilon thuộc diện chịu thuế, mỗi kg chỉ phải đóng mức 30.000 – 50.000 đồng; thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng chỉ có mức chịu thuế là 500 đồng/kg; thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế là 1.000 đồng/kg… Chính vì mức thuế áp dụng quá thấp như vậy đã khiến các DN không đề cao tác động đến yếu tố nguy hại tới môi trường.
Trước thực trạng trên, nhóm nghiên cứu đề xuất, chính sách ưu đãi thuế TNDN cần được hoàn thiện cả về mức ưu đãi và thời gian ưu đãi nhằm thu hút có chọn lọc đầu tư vào phát triển ngành, lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao; khuyến khích sản xuất năng lượng sạch; khuyến khích phát triển vận tải công cộng.
![]() |
Chính sách ưu đãi về thuế chưa đủ mạnh để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh |
Cần sớm điều chỉnh
Chính sách thuế TTĐB cần quy định mức thuế suất đối với xăng sinh học bằng 50% của mức thuế suất đối với xăng khoáng nhằm tạo sự chênh lệch đáng kể giữa xăng sinh học và xăng khoáng. Cần tiếp tục duy trì và tăng mức thu của chính sách thuế TTĐB đối với xe ô tô, nhiên liệu hóa thạch nhằm hạn chế tiêu dùng các loại hàng hóa này.
Chính sách thuế GTGT cần sửa đổi theo hướng quy định mức thuế suất 0% đối với dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố; vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt, xe điện.
Chính sách thuế BVMT cần tăng mức thu, đồng thời áp dụng kết hợp mức thu tuyệt đối và mức thuế suất theo tỷ lệ phần trăm. Cần mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để bao quát hết các sản phẩm gây tổn hại đối với môi trường: phân bón hóa học; khí thải…
Chính sách thuế tài nguyên cũng cần hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế tài nguyên (về sản lượng tính thuế; giá tính thuế; thuế suất; công tác quản lý thuế tài nguyên, chống thất thu).
Tuy vậy, ông Hải cũng cho rằng thuế có tác động hai chiều làm giảm tác động môi trường và tăng chi phí của DN. Vì vậy, sử dụng công cụ thuế phải đảm bảo minh bạch, bên cạnh những đánh giá về tác động môi trường cũng phải có những điều chỉnh chính sách thuế nhằm đánh giá tác động lên nền kinh tế.
Ví dụ hiện nay, giá điện đang được nhắc đến nhiều, giá điện tăng sẽ khiến nhiều chi phí DN tăng. Nhưng nếu không đánh thuế cao, các DN vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn điện, tác động xấu đến môi trường.
Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM, cho rằng tăng trưởng xanh luôn là vấn đề nóng, vì vậy chính sách thuế sử dụng cần làm sao khuyến khích được xanh hóa, sản xuất sạch.
Thy Lê