Đây là một trong những giải pháp để bảo vệ ngành sản xuất công nghiệp ô tô trong nước vừa được Bộ Công Thương đưa ra.
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp quý I/2019, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, bước sang năm 2019, các chính sách mới đối với lĩnh vực cơ khí chế tạo và sản xuất, lắp ráp ô tô đã có tác động tích cực đến ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Ô tô sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với ô tô nhập khẩu (Ảnh: Internet) |
Sản lượng sản xuất ô tô 3 tháng đầu năm 2019 đạt 72,2 nghìn chiếc (tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước).
Nguyên nhân của kết quả trên là do nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đã khởi công các dự án với quy mô lớn trong năm 2017 - 2018 (Thaco Bus, Thaco-Mazda, Hyundai Thành Công, VinFast), dự kiến có sản phẩm trong năm 2019 thể hiện quyết tâm của Chính phủ và doanh nghiệp trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô đón đầu xu thế hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang hội nhập sâu rộng trong khu vực, với hàng rào thuế quan gần như được gỡ bỏ hoàn toàn, nên ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu (đặc biệt là ô tô từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia) để giữ vững được thị trường.
Trước tình hình trên, ông Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy nhanh các dự án lớn trong ngành của các doanh nghiệp như Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vinfast... góp phần gia tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới.
Ban hành sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước); đề xuất bổ sung dự án sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, trong đó có dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, vào đối tượng hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Đầu tư.
Lê Thúy