Thừa uỷ quyền Chính phủ, Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi tới Quốc hội. Trong đó, về ngành công nghiệp ô tô trong nước, Bộ Công Thương đánh giá, công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây.
Bộ Công Thương đề xuất không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước của xe hơi (Ảnh: Internet) |
Tính đến năm 2018, ngành sản xuất ô tô trong nước có khoảng 173 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, trong đó 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời, 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở. Đa phần các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu.
Hiện, tổng công suất lắp ráp thiết kế của ô tô Việt Nam vào khoảng 500 nghìn xe/năm (khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 47%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 53%).
Xe sản xuất, lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước, với tổng sản lượng của thị trường xe du lịch khoảng 210 nghìn xe/năm trong năm 2016, trong đó sản lượng ô tô con khoảng trên 160 nghìn chiếc...
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn, do đó tỷ lệ nội địa hóa của một số dòng xe còn đạt thấp so với mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, mục tiêu về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đã thất bại. Cụ thể, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65-70% (Thái Lan đạt tới 80%). Điều này khiến sản phẩm trong nước khó lòng cạnh tranh với thị trường khu vực.
Nguyên nhân ngành ô tô chưa đạt như kỳ vọng, theo Bộ Công Thương, Việt Nam là nước đi sau trong khu vực (so với các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia). Chuỗi sản xuất ngành ô tô do các tập đoàn đa quốc gia chi phối. Họ quyết định hoàn toàn việc nghiên cứu - phát triển, địa điểm sản xuất, phương thức bán hàng...
Trong khi đó, trước khi đầu tư dự án lắp ráp tại Việt Nam, các tập đoàn ô tô lớn của Nhật Bản, Mỹ... đều đã đầu tư các dự án sản xuất ô tô con có quy mô rất lớn trong khu vực ASEAN. Công suất các dự án sản xuất ô tô con thường được tính toán cho thị trường khu vực, chứ không tính riêng cho quốc gia đặt nhà máy sản xuất, vì vậy các tập đoàn không có các dự án đầu tư quy mô lớn ở Việt Nam do quy mô thị trường quá nhỏ, bằng 1/10 Thái Lan, 1/5 Indonessia.
Chính vì thế, định hướng thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng cần tận dụng cơ hội thị trường do các chính sách vừa ban hành, tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh dự án của các doanh nghiệp trong nước như Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco), Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, Tập đoàn Vingroup (VinFast ) và các dự án khác để gia tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp.
Đồng thời, để có thêm nhiều chính sách đặc thù cho ngành ô tô, Bộ Công Thương trình Quốc hội ban hành sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, góp phần giảm giá thành xe sản xuất trong nước); Xây dựng thí điểm chuỗi cung ứng ngành ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong và ngoài nước…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng muốn có cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia.
Thy Lê