Nhìn vào số liệu nhập khẩu (NK) ô tô nguyên chiếc tăng mạnh như hiện nay sẽ thấy những gì dự báo từ vài năm trước là hoàn toàn chính xác, không chỉ cho năm 2019 mà cho cả giai đoạn 2020 – 2025. Đó là khi nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng lên và nếu sản xuất nội địa không đáp ứng được, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) còn yếu thì Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng tràn ngập ô tô NK.
Điều kiện đủ
Giá trị NK ô tô trong năm nay dự kiến có thể đến mức hơn 3,4 tỷ USD. Còn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy chỉ tính riêng nửa đầu năm nay, cả nước đã NK 75.437 ô tô các loại, trị giá gần 1,7 tỷ USD, tăng hơn 511% về số lượng và 411% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Không những ô tô nhập thắng thế, mà với không ít nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực CNHT ô tô cũng nhìn thấy tiềm năng lớn ở thị trường Việt Nam. Như chia sẻ của ông Guru Mallikajuna, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam (100% vốn của Đức): “Việt Nam hiện đang phát triển như một cường quốc ô tô với nhu cầu tăng cao”.
Chính vì vậy, trong khi các doanh nghiệp (DN) nội địa ở lĩnh vực CNHT cho ngành ô tô còn đang loay hoay trong khó khăn, thì Bosch cho biết riêng hồi năm ngoái, doanh số bán hàng của họ tại Việt Nam đạt ở mức tăng trưởng đến hai con số.
Tập đoàn này còn thành lập hẳn một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ ô tô tại Tp.HCM với vốn đầu tư hơn 20 triệu USD nhằm phát triển các công nghệ, sản phẩm và giải pháp sáng tạo dành cho ô tô cho thị trường Việt Nam và quốc tế. Trong 5 năm tới, Bosch còn rót thêm 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất cho ngành ô tô tại Việt Nam.
Trong khi đó, báo cáo mới đây của Bộ Tài chính về việc xin ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP cũng đã thừa nhận về một trong những điểm nghẽn của ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa có thể tháo gỡ ngay bằng công cụ chính sách thuế NK.
Theo Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định 125 quy định Chương trình ưu đãi thuế đối với linh kiện ô tô NK gắn với điều kiện về sản lượng sản xuất, lắp ráp xe các chủng loại xe và sản lượng của mẫu xe cam kết nhằm tăng quy mô thị trường cho ngành CNHT.
“Đây mới là điều kiện cần cho sự phát triển CNHT. Vì vậy, cần bổ sung chính sách ưu đãi thuế NK đối với nguyên liệu, linh kiện cho các DN CNHT để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất sản phẩm CNHT, tăng năng lực cho các nhà cung cấp trong nước. Đây sẽ là điều kiện đủ cho sự phát triển của CNHT và cũng góp phần làm tăng hiệu quả của Chương trình ưu đãi thuế đối với linh kiện ô tô tại Nghị định 125 của Chính phủ”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Biệt đãi thuế sẽ góp phần phát triển CNHT ô tô nội địa |
Chờ cải thiện năng lực
Do đó, trong bản dự thảo mới nhất về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017/NĐ- CP mới phát ra nhằm lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về thuế suất thuế NK ưu đãi đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành công nghiệp ô tô giai đoạn 2019 – 2023.
Trong đó, quy định thuế suất thuế NK ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được NK để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.
Thực tế cho thấy, với ngành CNHT cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, trong khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện thì chỉ có khoảng 300 DN trong nước tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.
Đáng chú ý, nếu như với xe tải đến 7 tấn và xe khách có tỷ lệ nội địa hóa trung bình 40 – 55%, thì xe con đến 9 chỗ ngồi chỉ đạt khoảng 7 – 10%.
Theo thống kê, mức độ tăng trưởng trung bình phân khúc xe du lịch trong 5 năm vừa qua đạt 30 – 40% và dự báo thị trường tới năm 2025 sẽ nhanh chóng tiệm cận với con số 1 triệu xe bán ra/năm.
Giới chuyên gia cho rằng đây chính là tiền đề, cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với ngành CNHT ô tô Việt Nam khi quy mô thị trường đã đủ lớn để đầu tư phát triển CNHT. Nếu tận dụng tốt, các DN CNHT Việt Nam sẽ có thể bắt kịp với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong khu vực và trên thế giới.
Ngược lại, nếu không có sự đầu tư cũng như chính sách thúc đẩy phù hợp, ngành CNHT ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục đi sau các nước trong khu vực và chỉ dừng lại ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ các linh kiện phụ tùng đơn giản, không tạo ra được nhiều giá trị.
Điều kiện đủ là ngoài chính sách biệt đãi thuế NK linh kiện thì nên nâng cao năng lực nhà cung cấp trong nước nhằm đáp ứng được yêu cầu của DN sản xuất, lắp ráp ô tô thành phẩm, cạnh tranh được với nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện NK.
Hơn nữa, các DN CNHT nội địa vẫn cần việc thực thi các chính sách hỗ trợ thực sự minh bạch, rõ ràng, dễ tiếp cận để họ chủ động trong đầu tư vào CNHT cho ngành ô tô trong thời gian tới.
Thế Vinh