Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 3/2023 đạt 60 nghìn tấn, trị giá 355 triệu USD, tăng 75% về lượng và tăng 79,5% về trị giá so với tháng 2/2023, so với tháng 3/2022 tăng 50,4% về lượng và tăng 48,6% về trị giá. Tính chung quý I/2023, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam ước đạt 122 nghìn tấn, trị giá 708 triệu USD, tăng 16,6% về lượng và tăng 14,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Châu Phi có xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu điều sơ chế sang Việt Nam. |
Tháng 3/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước tính đạt mức 5.913 USD/tấn, tăng 2,6% so với tháng 2/2023, nhưng giảm 1,2% so với tháng 3/2022. Tính chung quý I/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của nước ta ước đạt mức 5.826 USD/tấn, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, lâu nay ngành điều vẫn phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu nguyên liệu điều thô. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 272 nghìn tấn hạt điều thô, với giá trị hơn 360 triệu USD, tăng 78,2% về lượng và tăng 52,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Lo ngại hơn, thời gian gần đây, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, Việt Nam cũng đang nhập khẩu một lượng điều sơ chế từ Campuchia. Đây sẽ là nỗi lo với ngành điều trong thời gian tới.
Trước đây, châu Phi 100% bán nguyên liệu điều thô về Việt Nam. Bây giờ, họ nhập khẩu máy móc từ Việt Nam về chế biến hạt điều, thay vì bán thô thì họ mở nhà máy chế biến. Do nền sản xuất còn non trẻ, nên châu Phi không làm được toàn bộ các khâu để có thể xuất khẩu nhân điều đạt chất lượng như doanh nghiệp Việt Nam mà mới làm được nửa công đoạn. Họ tách vỏ cứng bên ngoài ra và còn phần nhân điều đã qua sơ chế, họ sẽ bán trở lại thị trường Việt Nam.
“Thay vì bán hạt điều thô 1 đồng thì họ bán hạt điều sơ chế với mức 2 đồng và như vậy họ đã lời rất nhiều”, ông Bạch Khánh Nhựt cho biết.
Theo đó, ông Nhựt lưu ý, việc các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thô về chế biến thì tốt cho ngành sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhập bán thành phẩm sẽ gây ra nhiều hệ lụy trước mắt và lâu dài. Đầu tiên, ngành điều sẽ mất công ăn việc làm của công nhân.
Đồng thời, việc Việt Nam tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu bán thành phẩm sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tại Châu Phi nâng cao trình độ sản xuất, chất lượng kỹ thuật. Và chỉ khoảng 2 năm sau, họ sẽ tạo ra hạt điều nhân, đóng gói hàng hóa y trang chúng ta và sẽ cạnh tranh trực tiếp với thị trường mua điều nhân của Việt Nam trên thế giới.
"Việt Nam từ chỗ nắm thị trường mua điều thế giới, thì nay có các doanh nghiệp của châu Phi “chen ngang”, dẫn đến thị trường mua bán điều nhân của Việt Nam sẽ bị co cụm lại, và mất thị phần", ông Nhựt cảnh báo.
Trước những lo ngại nêu trên, các nhà máy chế biến điều cũng đang kiến nghị lên Hiệp hội Điều Việt Nam có ý kiến lên cơ quan chức năng và đề xuất với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để có ý kiến, đề xuất lên Chính phủ nhằm có những chính sách can thiệp trong việc nhập khẩu điều sơ chế, bảo vệ ngành điều trong nước.
Thy Lê