Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), đến nay, ngành điều Việt Nam vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về sản lượng (chiếm 80% thương mại điều nhân toàn cầu) và có vai trò quan trọng đối với thị trường điều thô toàn cầu.
Xuất nhiều, nhập cũng không ít
Tuy đã được xuất khẩu chính ngạch sang hơn 100 quốc gia trên thế giới và người tiêu dùng nhiều nước cũng đã biết đến thương hiệu điều Việt Nam nhưng thực chất chuỗi ngành hàng này vẫn chưa phát triển bền vững.
Bởi, dù là nước xuất khẩu nhân điều lớn nhưng Việt Nam cũng nhập khẩu điều với số lượng không nhỏ. Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 609,26 nghìn tấn nhân điều với tổng kim ngạch đạt gần 3,75 tỷ USD, tăng 16,81% so với năm 2020. Nhưng ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu khoảng 3,149 triệu tấn điều nguyên liệu, điều đã qua sơ chế để phục vụ chế biến.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, tổng diện tích điều niên vụ 2019 - 2020 của cả nước đạt 302.500ha, tăng 5.300ha; năng suất bình quân 12,1 tạ/ha; sản lượng khoảng 339.800 tấn. Nguồn nguyên liệu này không đủ để phục vụ chế biến xuất khẩu nên hàng năm các doanh nghiệp đều phải nhập khẩu điều thô làm nguyên liệu chế biến.
Ngoài nguyên nhân trên, một số doanh nghiệp chế biến điều cho biết năm 2021, ngành điều tiếp tục chịu tác động của dịch Covid-19. Xuất khẩu điều gặp tình trạng thiếu container, trong khi chiều nhập hàng về lại thừa container rỗng, chính vì vậy, không ít doanh nghiệp đã tận dụng container rỗng này để nhập hàng về.
Dù có nhiều cải tiến nhưng chế biến điều vẫn bị đánh giá ở mức thô sơ. |
Theo các chuyên gia, việc nhập khẩu điều nguyên liệu là hoàn toàn bình thường bởi hiện nay nhu cầu thế giới về sản phẩm điều rất lớn, cung trong nước không đủ thì việc nhập khẩu hạt điều để sản xuất, chế biến và phục vụ xuất khẩu là điều nên làm. Tuy nhiên, từ đây cũng có thể thấy, ngành điều của Việt Nam đang bị yếu bởi khâu cung cấp nguyên liệu.
Ông Tạ Quang Huyên, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1, cho biết điều Việt Nam luôn được đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về điều chất lượng cao, các doanh nghiệp lại gặp khó trong việc mở rộng diện tích bởi phần lớn đất nông nghiệp ở nhiều vùng trồng điều trọng điểm hiện nay lại được ưu tiên để phát triển các dự án bất động sản. Bên cạnh đó, việc gia tăng nhập khẩu đang khiến nông dân trồng điều trong nước lâm vào cảnh khó tiêu thụ sản phẩm, giá thu mua hạt điều tươi tại thị trường trong nước biến động.
Ngoài yếu bởi việc phát triển vùng nguyên liệu, công đoạn chế biến của ngành điều vẫn bị đánh giá là thô sơ. Bà Nguyễn Thị Thu Liên (Hiệp Hội thực phẩm Minh Bạch) cho biết nếu đi thực tế tại các doanh nghiệp, HTX chế biến điều mới thấy việc chế biến điều dù đã được đầu tư máy móc nhưng vẫn mang tính chất thủ công, sử dụng nhiều lao động tay chân nên sản phẩm chưa thực sự đa dạng.
Qua nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế cũng cho thấy rõ điều này khi hiện nay, ngành điều Việt Nam mới chỉ tham gia 18% chuỗi giá trị điều toàn thế giới. Những phân khúc cao cấp như điều chế biến thành phẩm và phân phối chiếm đến 80% giá trị trên thị trường nhưng lại chưa phải là lợi thế của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nắm rõ quy luật thị trường
Ngành điều được đánh giá là có nhiều thuận lợi để phát triển bởi nhu cầu của hầu hết các thị trường nhập khẩu đều tăng do kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 cùng với xu hướng tăng cường sử dụng các sản phẩm hạt giàu đạm thực vật.
Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với thách thức vì các nước nhập khẩu đều yêu cầu cao về chất lượng an toàn thực phẩm, môi trường, trách nhiệm xã hội trong khi ngành điều vẫn còn nhiều doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, chưa liên kết và đầu tư bài bản theo chuỗi giá trị bền vững.
Bên cạnh đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với các "đối thủ" đang được đánh giá cao về sản xuất và xuất khẩu điều như Ấn Độ, Tanzania hay một số nước châu Phi như Mozambique, Ghana...
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), các nước này không chỉ mạnh về khâu chế biến, phân phối, thương hiệu mà họ còn chủ động về vùng nguyên liệu và quan tâm đến sơ chế.
Bà Trần Thị Trang Như , Phó Chủ tịch Câu lạc bộ hữu nghị và hợp tác Việt Nam- Ả Rập (VAFC) kiêm CEO Công ty xuất nhập khẩu Saigon Exim, cho biết các nước châu Phi vẫn được biết đến là nơi cung cấp điều thô cho Việt Nam. Tuy nhiên, theo bà Trang Như, thay vì nhập khẩu điều thô hoàn toàn thì thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt chủ yếu nhập khẩu điều đã qua sơ chế (mới bóc vỏ, chưa bóc lớp lụa) từ châu Phi bởi đây là thế mạnh của họ.
Cần có cơ chế phát triển vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng. |
Bà Trang Như cho biết ở các nước châu Phi, mặt hàng điều sơ chế được Chính phủ khuyến khích nên không phải chịu thuế xuất khẩu mà ngược lại còn được trợ cấp vài trăm USD/tấn. “Đây chính là lợi thế của các doanh nghiệp châu Phi và nếu Việt Nam tiếp tục nhập khẩu khẩu điều từ nước này thì sẽ giúp ngành sơ chế, chế biến điều châu Phi phát triển nhanh chóng, từ đó cạnh tranh trực tiếp với điều nhân Việt Nam", bà Trang Như nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng cho rằng việc nhập khẩu điều đã qua sơ chế khiến các doanh nghiệp rất khó để kiểm soát chất lượng, nhất là vệ sinh, an toàn thực phẩm. Điều này dễ ảnh hưởng đến thương hiệu chung của sản phẩm điều Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ngành điều đang đặt mục tiêu năm 2022 là giữ ổn định về sản lượng, tăng chất lượng và tăng giá với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2021.
Để làm được điều này cũng như giải quyết được các khó khăn trên, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng cần tính toán để mở rộng và bảo đảm diện tích trồng điều ở mức hợp lý thông qua việc liên kết sản xuất theo hướng bền vững. “Giá cả không ổn định, năng suất thấp, thiếu chính sách hỗ trợ, lại cộng với biến đổi khí hậu, giá đầu vào tăng thì người nông dân khó có thể mặn mà với cây điều. Còn nếu phát triển được vùng nguyên liệu và tăng năng suất cho phù hợp thì vừa có thể chủ động được nguồn nguyên liệu, vừa tiết kiệm được ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài ”, ông Toản nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Liên cho biết muốn cạnh tranh lành mạnh thì doanh nghiệp phải nắm được quy luật thị trường. Thị trường hiện nay ngày càng yêu cầu cao về chất lượng nhưng sản phẩm chủ lực của ngành điều mới chỉ là điều nhân, điều rang muối… Chính vì vậy, muốn phát triển lâu dài phải từng bước đa dạng hóa sản phẩm thông qua việc đầu tư công nghệ. Không chỉ nhân điều mà những phần khác từ cây điều, hạt điều cũng cần được nhìn ra giá trị hoặc có thể kết hợp hạt điều với nhiều loại thực phẩm khác trong chế biến để nâng giá trị lẫn nhau.
Như Yến