Nhìn về triển vọng cho ngành điều trong thời gian tới, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội điều Bình Phước, Tổng giám đốc CTCP Long Sơn, đã bày tỏ mối băn khoăn về thị trường xuất khẩu (XK).
Khai thác lợi thế từ các FTA
Bởi lẽ, do đặc thù của sản phẩm hạt điều là món ăn chơi cao cấp, cho nên nếu tình hình cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn, người tiêu dùng châu Âu và châu Mỹ vẫn bị ảnh hưởng bởi lạm phát, giá cả tiêu dùng còn ở mức cao thì tình hình của ngành điều năm 2023 chưa có gì sáng sủa.
Giữa khó khăn về đầu ra đòi hỏi các DN điều Việt Nam là cần khai thác lợi thế mà các FTA mang lại để thúc đẩy XK. |
Trao đổi với VnBusiness, ông Sơn cho rằng trừ khi cuộc chiến Nga - Ukraine chấm dứt, kinh tế trở lại ổn định, giá cả hàng hoá thiết yếu giảm đi thì lúc bấy giờ cơ hội cho ngành điều sẽ tốt hơn.
“Bản thân doanh nghiệp (DN) của chúng tôi trong năm 2023 sẽ tập trung nhiều vào tiết giảm chi phí sản xuất và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để thúc đẩy XK, bán hàng chế biến chuyên sâu từ thế mạnh của mình”, ông Sơn chia sẻ.
Cũng theo Tổng giám đốc CTCP Long Sơn, trên cơ sở kinh nghiệm XK cho nhà bán lẻ toàn cầu là Walmart tại Mỹ, Trung Quốc, EU, phía công ty đang tiếp tục phát triển các khách hàng mới trong thời gian tới thông qua việc tận dụng các FTA.
Trên thị trường XK hạt điều thời gian qua cho thấy Mỹ và EU chiếm hơn 50% kim ngạch XK của Việt Nam. Thế nhưng, có nhiều dự báo chỉ rõ cả hai thị trường này sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm nay, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh khi mà lạm phát ở Mỹ còn ở mức cao, EU cũng rơi vào khủng hoảng kinh tế, căng thẳng địa chính trị.
Lường trước khó khăn của thị trường nên mới đây Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã đề nghị điều chỉnh mức chỉ tiêu doanh số XK điều nhân năm 2023 ở mức khiêm tốn khoảng 3,1 tỷ USD, tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022. Trong khi đó, như năm 2022, dù đã xin điều chỉnh giảm chỉ tiêu XK từ 3,8 tỷ USD xuống 3,2 tỷ USD nhưng cuối cùng ngành điều chỉ về đích ở mức 3,07 tỷ USD.
Tuy vậy, trong thời gian tới, theo giới chuyên gia, XK điều vẫn có thể tìm tín hiệu tích cực từ một số thị trường mới hoặc thị trường ngách, thậm chí ngay cả thị trường “lõi” như Mỹ, EU dù có khó khăn thì các DN vẫn phải biết “tìm cơ trong nguy”.
Hơn nữa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã từng khuyến cáo các DN điều Việt Nam cần khai thác lợi thế mà các FTA thế hệ mới mang lại để đẩy mạnh XK tới các thị trường này.
Còn ở góc nhìn của Hội Điều Bình Phước, ông Vũ Thái Sơn cho rằng, việc các DN tận dụng 17 FTA đã được Việt Nam ký kết với nước ngoài có thể giúp XK sản phẩm hạt điều thuận lợi hơn. Nhất là nhân điều XK của Việt Nam vào một số thị trường có FTA, nếu có chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) sẽ được miễn thuế nhập khẩu.
Phải hiểu rõ quy tắc xuất xứ
Tuy vậy, thời gian qua, do vẫn còn chưa hiểu rõ hết về 17 FTA nên nhiều DN ngành điều lầm tưởng rằng để lấy được C/O thì phải là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam cho nên đã tìm cách khai hàng xuất xứ Việt Nam.
Thực ra, điều quan trọng là các DN ngành điều cần nắm rõ thủ tục để xin cấp được chứng nhận xuất xứ hàng hóa, biểu mẫu tốt nhất nhằm xuất nhân điều đi các nước với thuế suất 0%... Với những FTA được Việt Nam ký kết, từ nước XK đến nước nhập khẩu, theo quy định DN hoạt động trong lĩnh vực và cùng mặt hàng có thể xin C/O được 18 hình thức khác nhau.
Vì vậy, việc kê khai tên hàng, xuất xứ, đơn vị tính, mã loại lô hàng xin cấp chứng nhận C/O là rất cần thiết. Nếu DN làm xuất nhập khẩu thực hiện sai thì DN XK điều nhân sẽ thiệt hại rất lớn.
Theo giới chuyên gia, có một số FTA có quy định khá thoáng khi cho phép các DN ngành điều nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia châu Phi về Việt Nam sản xuất và XK sang các nước. Chẳng hạn như xuất sang Nhật, Hàn Quốc vẫn được miễn thuế nhập khẩu.
Điều này sẽ giúp cho DN rất nhiều. Bởi lẽ, nếu không có quy định thoáng như vậy trong một số FTA thì phía DN sẽ phải chứng minh toàn bộ hạt điều đó 100% nguyên liệu được trồng ở Việt Nam. Cho nên, đây là lợi thế cho ngành điều Việt Nam cần phải tận dụng trong giai đoạn khó khăn này.
Tuy nhiên, các DN vẫn còn gặp vướng với thị trường Trung Quốc (chiếm 10% sản lượng XK điều của Việt Nam) và các quốc gia trong ASEAN khi vẫn yêu cầu hạt điều xuất đi không phải nguồn nguyên liệu từ châu Phi mà buộc phải là nguyên liệu có xuất xứ ở Việt Nam.
Để giải bài toán này khi mà Việt Nam nhập khẩu điều châu Phi rất nhiều thì phía DN đang chuyển sang nhập khẩu nguyên liệu điều Campuchia để nhằm tận dụng được Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN với Trung Quốc (ACFTA). Và các DN nếu sản xuất hạt điều từ nguyên liệu Campuchia với C/O form E (Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu E, phát hành theo ACFTA) rồi xuất sang Trung Quốc thì vẫn được miễn thuế.
Cho nên, giữa lúc khó khăn này đang rất cần các DN hiểu rõ về quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA. Có như vậy, sẽ giúp DN ngành điều Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường XK, nhất là khi người tiêu dùng quốc tế có xu hướng lựa chọn sản phẩm với giá cả phù hợp túi tiền của họ thời “thắt lưng buộc bụng”.
Thế Vinh