Theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện nay, cơ quan kiểm dịch thực vật đã yêu cầu tiến hành kiểm tra, lấy mẫu toàn bộ những lô hàng điều thô nhập khẩu có nguồn gốc từ châu Phi tại cảng, thay vì cho phép đưa về kho của doanh nghiệp như trước kia. Trong bối cảnh toàn ngành điều gặp rất nhiều khó khăn năm 2019, việc thực hiện quy định trên đã gây trở ngại và tổn thất cho các doanh nghiệp chế biến và nhập khẩu điều thô.
![]() |
Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục kiểm soát điều nhập khẩu (Ảnh: Internet) |
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ NN&PTNT tổ chức tại Hà Nội sáng 5/4, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đã trả lời về những vướng mắc của doanh nghiệp.
Theo ông Trung, thời gian gần đây, cơ quan kiểm dịch thực vật liên tục phát hiện nhiều lô hàng điều nhập khẩu từ châu Phi có mọt cánh cứng. Đây là loại mọt nguy hiểm nhất trong số các loại mọt và được tất cả các nước đưa vào danh sách kiểm dịch thực vật, cần kiểm soát chặt chẽ.
Dù đã cảnh báo đến doanh nghiệp, nhưng cơ quan kiểm dịch thực vật vẫn tiếp tục phát hiện mọt cánh cứng trong các lô hàng thì không thể cho doanh nghiệp đưa hàng về kho. Đây sẽ là nguy cơ cao để loại mọt này xâm nhiễm và phát tán ở Việt Nam.
Tại hội nghị với các doanh nghiệp ngành điều diễn ra vào tháng 3, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã đề nghị với các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý để kiểm soát trước các lô hàng trước khi cho phép vào lãnh thổ Việt Nam. Nếu để lọt mọt cánh cứng vào Việt Nam sẽ rất tốn kém chi phí và rất khó khăn trong xử lý. Lợi ích chung của nền nông nghiệp, của quốc gia là quan trọng.
Vì vậy, liên quan đến quy trình kiểm soát điều nhập khẩu, ông Trung cho biết, Cục Bảo vệ thực vật hiện đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục kiểm tra, giám sát các lô hàng từ cảng vào đến kho.
Hiện nay, các doanh nghiệp cũng thống nhất lựa chọn phương án kiểm tra ngay tại cảng. Trong quá trình kiểm tra ngẫu nhiên từ 5 - 7 lô hàng, nếu không phát hiện mọt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đưa hàng về kho.
Lê Thúy